- Trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác chiến lược Tập đoàn đã ký với UBND tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua VNPT địa bàn này đã hỗ trợ tỉnh trong chuyển đổi số trên các mặt: chính quyền số, y tế số, giáo dục số, doanh nghiệp số, du lịch thông minh... và đạt được những kết quả tích cực. Thị trường Vĩnh Long nhỏ và gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, đơn vị đã rất nỗ lực trong cả việc đảm bảo hạ tầng mạng dịch vụ cũng như bán hàng, tái chiếm lại thị phần các dịch vụ VT-CNTT và dịch vụ số.
Trong bối cảnh khó khăn chung, với sự nỗ lực đội ngũ CBCNV các khối, VNPT địa bàn Vĩnh Long với tổng số trên 250 lao động vẫn đảm bảo thực hiện đạt quy mô doanh thu khách hàng – như năm 2022 là hơn 236 tỷ đồng, năng suất khoảng 926 triệu đồng/người/năm và có được thu nhập bình quân 19 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 12% so năm 2021.
Trong cơ cấu doanh thu các mảng dịch vụ, đáng chú ý là ở một số mảng doanh thu tăng trưởng thêm khá cao như MyTV gần 48%, CNTT trên 36%, số doanh nghiệp trên 60%... Thị phần dịch vụ di động Vinaphone ở Vĩnh Long hiện trong khoảng 17,5% và băng rộng cố định khoảng 31,4%.
Trong triển khai SXKD tại địa bàn, đơn vị điều hành tập trung theo cơ chế Trưởng đại diện và mô hình mới, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả, tập trung nguồn lực trong triển khai các chương trình bán hàng, cùng với các chính sách khuyến khích thưởng phạt và đánh giá, xếp hạng từng địa bàn với cả 2 khối, tất cả nhằm triển khai tốt nhất kế hoạch phân kỳ để có thể phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Với dịch vụ di động, đơn vị tập trung phát triển thuê bao và tư vấn khách hàng sử dụng các gói cước ưu đãi thuần data, gia hạn gói có chu kỳ dài với cách thức tần suất bán hàng trực tiếp và tổng lực, chất lượng thuê bao đảm bảo có phát sinh tiêu dùng trên địa bàn; đồng thời có cơ chế chính sách, khuyến khích kênh điểm bán và CTV và chú trọng phòng thủ, CSKH để giữ chân lâu dài song song với thực hiện MNP thu hút khách hàng từ nhà mạng khác chuyển sang VinaPhone.
Với dịch vụ băng rộng và MyTV, đơn vị chú trọng giám sát chặt chẽ các tập khách hàng hiện hữu bằng các giải pháp phù hợp, đồng thời có chính sách khuyến khích thuê bao chuyển đổi sang hình thức thanh toán cước trước, sử dụng các gói tích hợp dịch vụ; từng bước thay thiết bị 2 băng tần trên các tập thuê bao để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tái chiếm thị phần dịch vụ Fiber của VNPT.
Với dịch vụ số, VNPT địa bàn Vĩnh Long chú trọng thiết lập tốt quan hệ với chính quyền thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp chính quyền số trong hoạt động quản lý điều hành ở địa phương song còn gặp khó khăn khi triển khai các sản, phẩm dịch vụ như chính quyền số, giáo dục, IOC bởi nhiều khách hàng cũ đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác và còn trong thời hạn cam kết hợp đồng. Tuy nhiên các hệ thống VNPT đã triển khai như Hội nghị truyền hình trực tuyến cho 100% các cấp, Hệ thống camera giám sát ANTT, Hệ thống loa truyền thanh thông minh, vé điện từ cho doanh nghiệp Cụm phà Vàm Cống… qua đó đã khẳng định được chất lượng của nhà mạng chuyên nghiệp. Đơn vị cũng đã ký kết hợp tác về chuyển đổi số với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân và các trường đại học Cửu Long, Xây dựng Miền Tây, Sư phạm Kỹ thuật; ở các địa bàn thì đơn vị đã ký hợp tác với UBND Tp.Vĩnh Long và các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Bình Tân; đang có kế hoạch triển khai IOC cho từng địa bàn.
Với mục tiêu đặt ra trong năm 2023 là doanh thu trên 254 tỷ đồng, tăng trưởng 7,64% trong đó di động tăng 4,23%, băng rộng tăng 7,63% , My TV tăng 30% và dịch vụ CNTT - Số doanh nghiệp tăng 43%, ngay từ những tháng đầu, quý đầu VNPT Vĩnh Long đã bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: điều hành xuyên suốt và nâng cao vai trò, trách nhiệm của từng cấp theo mô hình kinh doanh mới, thống nhất triển khai đồng bộ mục tiêu kế hoạch SXKD đến từng địa bàn, phối hợp trong đầu tư phát triển hạ tầng mạng dịch vụ và tổ chức kinh doanh, bán hàng.
Đặc biệt tập trung triển khai 4 nhóm giải pháp trọng tâm, thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh về dịch vụ di động và tài chính số, băng rộng và MyTV, dịch vụ Số doanh nghiệp, cải thiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường kỷ luật lao động.
Qua 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đạt doanh thu trên 115 tỷ đồng, bằng 47,24% kế hoạch năm, tăng trưởng 4,35% so với cùng kỳ và xếp hạng địa bàn thứ 24/63 tỉnh thành. Trong đó, doanh thu ngoại trừ di động ra thì các dịch vụ cốt lõi khác đều đạt và tăng từ 2-12% so với cùng kỳ, cá biệt dịch vụ Số doanh nghiệp tăng tới trên 82% và đây chính là điểm mạnh đáng chú ý mà đội ngũ đơn vị đang quyết tâm phát triển hơn nữa. Một số địa bàn cơ sở có các chỉ số tăng trường ổn định và ở mức khá như các huyện Bình Tân, Trà Ôn, Vũng Liêm và cả các huyện Long Hồ, Mang Thít. Các địa bàn còn lại tăng trưởng chậm và cũng đã được đưa vào diện cảnh báo theo bộ chỉ số điều hành, từ đó tìm kiếm và thực hiện ngay các giải pháp phù hợp.
Cụ thể, về di động, đơn vị sẽ thúc đẩy bán hàng tại các điểm ủy quyền, chương trình hạn chế thuê bao rời mạng song song với tri ân CSKH lâu năm có doanh thu cao; phát triển thuê bao mới và MNP thuê bao từ nhà mạng khác, nhất là các địa bàn thị phần thấp, khu vực đầu tư mới trạm BTS và với nhóm khách hàng tiềm năng.
Với băng rộng và MyTV sẽ đẩy mạnh thu hút khách hàng từ doanh nghiệp khác chuyển sang sử dụng VNPT, với các chương trình hiệp lực địa bàn, triển khai B2B, B2C và qua các kênh chuỗi, CTV xã hội hóa, kênh Online và nhân viên kỹ thuật; phát triển thuê bao mới tại các khu vực đầu tư mở rộng, khu dân cư với các gói tích hợp và chương trình "Bùng nổ Mesh-Cam”; phấn đấu tăng tỷ lệ Fiber phát triển mưới đóng cước trước đạt 90% và trên 70% thuê bao Fiber mới có MyTV.
Với dịch vụ Số doanh nghiệp sẽ bắt tay triển khai phát triển dự án chính quyền số cho Tỉnh uỷ Vĩnh Long và tiếp tục các dự án Truyền thanh thông minh cho địa bàn các huyện; đồng thời bám sát nhu cầu để cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách hàng; tiếp tục triển khai duy trì và phát triển các chương trình bán hàng, sản phẩm trọng điểm như SME, Hóa đơn điện tử, Chữ ký số, Y tế số, Giáo dục số và Bảo hiểm xã hội.
Mới đây, Lãnh đạo Tập đoàn cũng đã mới làm việc với chính quyền tỉnh Vĩnh Long về các giải pháp, kinh nghiệm mà VNPT sẽ hỗ trợ địa phương trong triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh - IOC Vĩnh Long. Đánh giá cao hoạt động cung ứng dịch vụ VT-CNTT và dịch vụ số của VNPT địa bàn, lãnh đạo UBND tỉnh cũng cho biết, Vĩnh Long đã và đang tập trung triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính theo hướng đổi mới và sáng tạo, và việc xây dựng IOC hết sức cần thiết để phục vụ cho công tác lãnh, chỉ đạo của chính quyền tỉnh trong hoạt động phục vụ người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được, cùng nỗ lực thực hiện các gói giải pháp quản trị, điều hành SXKD phù hợp với thực tiễn thị trường ở địa phương, đội ngũ CBCNV, người lao động VNPT địa bàn Vĩnh Long đang tiếp tục chủ động, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023.
Chí Bằng