- Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tuần (từ 04/9/2023 đến 10/9/2023), các tổ chức quốc tế đã công bố và cập nhật ít nhất 670 lỗ hổng, trong đó có 206 lỗ hổng mức Cao, 249 lỗ hổng mức Trung bình, 18 lỗ hổng mức Thấp và 197 lỗ hổng chưa đánh giá. Trong đó có ít nhất 141 lỗ hổng cho phép chèn và thực thi mã lệnh.
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho hay, hệ thống kỹ thuật của Cục ATTT chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê cho thấy có 07 lỗ hổng/nhóm lỗ hổng trên các sản phẩm, dịch vụ CNTT phổ biến, có thể gây ảnh hưởng lớn đến người dùng ở Việt Nam: Nhóm 31 lỗ hổng trong Apple, Nhóm 04 lỗ hổng trong Tenda, Nhóm 65 lỗ hổng trong Google, Nhóm 68 lỗ hổng trong Wordpress, Nhóm 38 lỗ hổng trong Adobe, Nhóm 08 lỗ hổng trong Linux, Nhóm 15 lỗ hổng trong IBM.
Một số lỗ hổng trên các sản phẩm/dịch vụ phổ biến tại Việt Nam:
- Apple: CVE-2023-29166, CVE-2023-28209,...
- Tenda: CVE-2023-4744, CVE-2021-40546,..
- Google: CVE-2023-4762, CVE-2023-4763,...
- Wordpress: CVE-2023-4634, CVE-2023-4772,...
- Adobe: CVE-2023-36021, CVE-2023-36023,...
- Linux: CVE-2023-3777, CVE-2023-4015,...
- IBM: CVE-2023-35892, CVE-2023-35906,...
Về tấn công DRDoS, tuần vừa qua tại Việt Nam, có rất nhiều máy chủ, thiết bị có thể trở thành nguồn phát tán tấn công DRDoS. Trong tuần có 46.847, (giảm so với tuần trước 49.923) thiết bị có khả năng bị huy động và trở thành nguồn tấn công DRDoS. Các thiết bị này đang mở sử dụng các dịch vụ NTP (123), DNS (53), Chargen (19).
Trong tuần, có 225 trường hợp tấn công vào trang/cổng thông tin điện tử của Việt Nam: 218 trường hợp tấn công lừa đảo (Phishing), 07 trường hợp tấn công cài cắm mã độc.
Trên thế giới có nhiều các trang web giả mạo các tổ chức, doanh nghiệp, nhà cung cấp, dịch vụ lớn như: Các mạng xã hội, ngân hàng, thư điện tử... Việt Nam có nhiều người dùng các dịch vụ, ứng dụng nước ngoài (cả miễn phí và tính phí) như các mạng xã hội, Payment, Apple, Paypal... vì vậy người dùng cần phải hết sức cảnh giác với những trang web giả mạo để đánh cắp tài khoản.
Trong tuần đã có 385 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam phản ánh về Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) qua hệ thống tại địa chỉ https://canhbao.khonggianmang.vn. Qua kiểm tra, phân tích có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đối với các điểm yếu, lỗ hổng trong phần Lỗ hổng bảo mật, các đơn vị cần lưu ý theo dõi và cập nhật bản vá cho các lỗ hổng liên quan đến sản phẩm đang sử dụng. Ngoài ra, những đơn vị đã có tài khoản trên “Hệ thống Cảnh báo điểm yếu và rà soát lỗ hổng bảo mật tự động” tại địa chỉ https://service.khonggianmang.vn, quản trị viên có thể thêm các sản phẩm đang sử dụng để giám sát và nhận cảnh báo ngay khi có lỗ hổng mới phát sinh.
Trước các nguy cơ về tấn công từ chối dịch vụ, tấn công web, các đơn vị cần rà soát, hạn chế tối đa việc mở các cổng dịch vụ có thể bị lợi dụng để thực hiện tấn công từ chối dịch vụ; thường xuyên kiểm tra, rà soát máy chủ web để kịp thời phát hiện và xử lý nguy cơ tấn công. Bên cạnh đó, đối với các IP/tên miền được đề cập trong mục Danh sách IP/tên miền độc hại có nhiều kết nối từ Việt Nam, Quý đơn vị cần kiểm tra và xử lý các thiết bị trong toàn bộ hệ thống mạng nếu có dấu hiệu kết nối đến các tên miền độc hại mà Cục ATTT đã thông tin.
Đối phó với các website giả mạo tấn công lừa đảo người dùng Việt Nam, các đơn vị cần chú ý quan tâm không truy cập vào các trang web được nêu để tránh nguy cơ bị tấn công lừa đảo, nâng cao nhận thức bản thân và tuyên truyền cho bạn bè, người thân và những người xung quanh tránh việc trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công lừa đảo này.
PV