- Bộ TT&TT và Bộ Công an đã phối hợp kiểm soát, phát hiện và bắt giữ một vụ sử dụng thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo tại địa bàn huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh.
Trong tháng 8/2023, Bộ TT&TT tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng tần số. Qua đó, phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không giấy phép, sử dụng thiết bị không đúng quy định… Bộ TT&TT đã thực hiện xử lý 32 vụ vi phạm về sử dụng tần số.
Đặc biệt, từ ngày 22-24/8/2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an (Trung tâm tần số khu vực II thuộc Cục Tần số VTĐ phối hợp với Cục A06) triển khai kiểm soát, phát hiện và bắt giữ 01 vụ sử dụng thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo tại địa bàn Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.
Tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng đã liên tục tái diễn trong thời gian qua. Các tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS để gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo các nội dung “đen” tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung “đen” như mại dâm, cờ bạc...
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo sơ kết của Bộ TT&TT trong nửa đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo BTS, gồm 3 vụ ở Hà Nội; 5 vụ ở TP.HCM; các tỉnh, thành phố Gia Lai, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang và Bến Tre mỗi địa phương phát hiện và xử lý 1 vụ.
Theo ước tính, mỗi phút, trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn và số lượng tin nhắn được phát tán mỗi ngày khoảng từ 80.000 - 100.000 tin. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh website của ngân hàng để lừa đảo.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo phân tích của đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G). Công nghệ này chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người sử dụng xác thực lại mạng. Lỗ hổng bảo mật của mạng GSM tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện song vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Một điểm đáng chú ý nữa là các thiết bị BTS giả mạo thường được nhập lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Các thiết bị này rất nhỏ gọn nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, kiểm tra. Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng thường sử dụng những trạm BTS giả trên những phương tiện di động như trên ô tô, xe máy.
Các đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời. Những giải pháp hiệu quả cũng sẽ được Bộ chỉ đạo các nhà mạng triệt để áp dụng nhằm phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị trạm BTS giả, từ đó có thể nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng có hành vi sai phạm.
Phạm Lê