- Ngày 23/9/2023, UBND tỉnh Bình Định và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo Hợp tác phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 24 - năm 2023.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Uỷ ban Quốc gia về Chuyển đổi số xác định năm 2022 là năm “Đưa người dân lên nền tảng số” còn Năm 2023 là “Năm dữ liệu số quốc gia”.
Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác bởi các nền tảng. Có dữ liệu thì nền tảng mới hoạt động hiệu quả. Sử dụng nền tảng thì lại sinh ra thêm các dữ liệu mới. Hai thành tố này độc lập nhưng gắn kết chặt chẽ và không thể tách rời.
Về nền tảng số, đây là cách tiếp cận chuyển đổi số rất đặc thù của Việt Nam, thay đổi từ sử dụng phần mềm riêng lẻ sang các nền tảng số toàn ngành, toàn tỉnh, toàn quốc từ đó việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu mới có thể thực hiện được thông suốt. Nền tảng số để cung cấp công nghệ số như là một dịch vụ. Công nghệ số lúc đó giống như điện, như nước. Nền tảng số giống như điện lưới, như nước máy. Ai cũng có thể sử dụng, với giá rẻ, dùng đến đâu trả tiền đến đó. Các Bộ, ngành, địa phương cần xác định được các nền tảng số để phổ cập rộng khắp cho ngành mình, cho tỉnh mình để triển khai đồng bộ, hợp nhất, tránh lãng phí, gây tốn kém, thiếu hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: mic.gov.vn |
Về dữ liệu số, không phải phần cứng, không phải phần mềm, không phải nền tảng số, tài sản của các bộ, ngành, địa phương là chuyển đổi số. Các bộ, ngành địa phương muốn thúc đẩy chuyển đổi số tại lĩnh vực, địa bàn của mình thì cần tập trung thúc đẩy phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu của địa phương mình, thực hiện chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên ấy. Dữ liệu càng chia sẻ, càng được sử dụng nhiều thì càng tạo ra nhiều giá trị.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kêu gọi Bình Định và các địa phương hãy tiên phong phát triển xã hội số, gồm 8 yếu tố đặc trưng là: mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh tính số, một chữ ký số, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản dịch vụ công trực tuyến, một phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng cơ bản và kỹ năng số cơ bản.
Chia sẻ về việc triển khai chuyển đổi số tại tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự cố gắng của các ngành, đơn vị trong tỉnh, nhiệm vụ chuyển đổi số của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp đã từng bước dựa vào dữ liệu; công nghiệp công nghệ thông tin có nhiều khởi sắc với việc hình thành Khu Công viên phần mềm Quang Trung – Bình Định và sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, Bình Định đang phấn đấu xây dựng Thành phố Quy Nhơn trở thành một trong những Trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước trong thời gian tới.
Thừa ủy quyền của Lãnh đạo Bộ TT&TT , Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao quyết định của Thủ tướng về việc kết nạp Trung tâm CNTT-TT tỉnh B́nh Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đến ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định.
Ông Phạm Anh Tuấn bày tỏ tin tưởng, Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT- Việt Nam là cơ hội để các địa phương trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở địa phương, nhằm từng bước xây dựng chính quyền số hiện đại, đồng bộ, góp phần tích cực cho nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
PV