- Tiến bộ công nghệ đặt nền móng cho các hệ thống vô tuyến tiết kiệm năng lượng, tốc độ dữ liệu cực cao thế hệ tiếp theo...
Keysight Technologies vừa giúp Đại học Stuttgart tiến hành các nghiên cứu cơ bản cần thiết để phát triển mạch tích hợp (IC) mới cho công nghệ 6G với giải pháp Vector Component Analysis (VCA) 6G mới của Keysight. Đây là dự án hợp tác mới nhất trong quá trình hợp tác nghiên cứu lâu năm giữa Keysight và Đại học Stuttgart.
Dự án hợp tác này đã hỗ trợ Đại học Stuttgart thiết lập Crosslink, một nền tảng ghép kênh linh hoạt để phân tích miền thời gian và tần số đồng bộ của các kênh thông tin băng siêu rộng. Giải pháp Keysight VCA tích hợp phân tích mạng vectơ sub-terahertz (sub-THz) với tính năng điều chế băng rộng để hỗ trợ nền tảng Crosslink.
Tính năng kết hợp này hỗ trợ xác định đặc tính của các linh kiện tần số vô tuyến (RF) chính xác nhất từ trước tới nay trong các điều kiện điều chế phức tạp. Nhờ đó, khách hàng có thể có được các thông số hiệu năng nhiễu và tuyến tính tốt nhất, lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường để phân tích hiệu năng băng rộng, điều chế tần số cao của các linh kiện, mạch và bộ thu phát.
VCA giúp các nhà nghiên cứu đạt được bước nhảy vọt đáng kể trong việc phát triển các bộ khuếch đại, bộ lọc, hệ thống ăng-ten, linh kiện thế hệ tiếp theo cũng như mô hình hóa và ước lượng môi trường vô tuyến kênh (channel sounding) cho mạng 6G.
Giải pháp đo kiểm Keysight VCA được sử dụng cho Crosslink tích hợp Máy phân tích mạng viba N5245B PNA-X Microwave Network Analyzer, Máy tạo dạng sóng tùy biến M8199A (AWG) Arbitrary Waveform Generator, phần mềm ứng dụng máy phân tích mạng vector méo điều chế băng rộng (VNA) và phần mềm phân tích tín hiệu vectơ (VSA) với bộ mở rộng tần số Virginia Diodes (VDI) lên tới 330 GHz.
Dự án hợp tác giữa Keysight và Đại học Stuttgart là một dự án cung cấp thiết bị quy mô lớn được Quỹ Nghiên cứu Đức (DFG) tài trợ. Dự án này nhằm mục tích chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai với tốc độ truyền dữ liệu siêu cao, các loại hình hệ thống thông tin vô tuyến và quang điện, cũng như khả năng sử dụng các dải tần hạ THz. Dự án này hỗ trợ tầm nhìn của thị trường về việc triển khai mạng thông tin vô tuyến 6G bền vững, uyển chuyển, độ trễ thấp và tốc độ cao thông qua phát triển các vi mạch tích hợp IC thế hệ tiếp theo sử dụng tiết kiệm năng lượng.
Giáo sư Ingmar Kallfass của Đại học Stuttgart cho biết: "Chúng tôi hợp tác với Keysight tạo ra một nền tảng đo lường đổi mới sáng tạo bao gồm nhiều cấu hình đo lường khác nhau, cho phép chúng tôi đánh giá sự phù hợp của các kênh băng siêu rộng cho thông tin vô tuyến ở dải tần THz."
Ông Giampaolo Tardioli, Phó Chủ tịch Chương trình 6G và thế hệ tiếp theo của Keysight bày tỏ sự vui mừng được hợp tác với các nhóm nghiên cứu tiên tiến đang áp dụng những tính năng đo lường mới nhất để thúc đẩy công nghệ sub-THz, định hình tương lai của công nghệ số và tăng cường đổi mới sáng tạo. “Chúng tôi đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy nghiên cứu 6G, giúp thị trường vô tuyến ở châu Âu và các khu vực khác đạt đến trình độ công nghệ cạnh tranh, là tiền đề của thịnh vượng kinh tế” - ông Giampaolo Tardioli nói.
Phạm Lê