- Tính đến thời điểm này, đã có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh, còn gọi là Trung tâm IOC.
Đánh giá về tình hình xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số thời gian qua, Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nhận định, việc này đã được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt. Quốc hội đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), 36/63 địa phương đã triển khai Trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh.
Chất lượng dịch vụ công trực tuyến cũng đã được cải thiện, với gần 69% thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến; 21 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 5,5 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với 6,5 nghìn tỷ đồng. 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính…
Việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) đã được đẩy mạnh. Đến nay, đã tích hợp cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu và 10/28 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hằng năm tiết kiệm cho ngân sách nhà nước trên 2.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cũng chỉ ra một trong những tồn tại, hạn chế thời gian qua là việc xây dựng Chính phủ điện tử, nhất là ở các địa phương hiệu quả còn chưa cao, thậm chí có nơi còn hình thức. An ninh, an toàn thông tin còn chưa được quan tâm đúng mức.
IOC Bình Phước - sản phẩm hợp tác giữa UBND tỉnh Bình Phước và Tập đoàn VNPT được đánh giá là phát huy vai trò đắc lực trong hỗ trợ xây dựng chính quyền số tại tỉnh. |
Liên quan đến việc triển khai ICT phát triển đô thị thông minh nói chung và Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) tại các địa phương nói riêng, mới đây Bộ TT&TT đã có một số lưu ý với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, các địa phương đang chủ yếu tập trung vào việc phát triển và cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh gắn với các dịch vụ của chính quyền điện tử, chính quyền số, mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý đô thị thông minh để giải quyết các vấn đề căn cơ, bài toán lớn của đô thị như giao thông, năng lượng, môi trường… Điều này dẫn đến hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, chưa thực sự đi vào chiều sâu nhằm đạt được kết quả cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và quản lý đô thị hiệu quả, tinh gọn.
Để phát triển đô thị thông minh gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số tại địa phương, Bộ TT&TT đề nghị các địa phương chủ động rà soát các Đề án, Kế hoạch phát triển đô thị thông minh đã ban hành để kịp thời cập nhật, bổ sung những nội dung triển khai, bảo đảm bám sát 7 nhóm nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo lộ trình tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương.
Các địa phương khi phát triển đô thị thông minh, theo Bộ TT&TT, còn phải quan tâm thích đáng đến việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân và quyền riêng tư theo quy định của pháp luật. Định kỳ đo lường, đánh giá hiệu quả triển khai để kịp thời có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Riêng với các trung tâm giám sát, điều hành thông minh, Bộ TT&TT nhận định, việc triển khai Trung tâm IOC bước đầu đã giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực.
Được biết, là doanh nghiệp đi đầu trong việc cung cấp, triển khai các giải pháp trong việc xây dựng Trung tâm IOC, thời gian qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã phối hợp cùng hàng chục tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp đô thị thông minh, trong đó hệ thống IOC - được xem là một bước đi quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Theo thống kê, VNPT đã triển khai được 36 IOC cấp tỉnh, thành phố và 54 IOC cấp huyện tại 45 địa phương trên cả nước.
PV