- Tạp chí Phố Wall mới đây đưa tin, TSMC - công ty chuyên về sản xuất chip có hợp tác với Apple và là đối thủ của các hãng như Qualcomm, Nvidia, MediaTek …sẽ báo cáo doanh thu giảm 10% trong năm nay. Ngoài ra, nhà máy của TSMC ở Arizona, Hoa Kỳ dự kiến đi vào hoạt động vào năm tới sẽ phải hoãn thêm một thời gian nữa.
Được công bố dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và được chính quyền tổng thống Biden hỗ trợ, nhà máy sản xuất của TSMC tại bang Arizona được xây dựng nhằm gắn liền với mong muốn của chính phủ Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo công nghệ nhằm giúp đất nước tự cung tự cấp khi sản xuất chất bán dẫn. Các kế hoạch kêu gọi nhà máy bắt đầu sản xuất chip 4nm vào năm 2024 và cơ sở thứ hai của TSMC dự kiến chính thức vận hành vào năm 2026 để sản xuất chip 3nm. Với sự chậm trễ này, nhà máy đầu tiên tại Arizona sẽ không thể sản xuất hàng loạt chip 4nm cho đến năm 2025.
TSMC dự kiến đầu tư 40 tỷ USD vào nhà máy tại Arizona, tuy nhiên với sự chậm trễ này, ban lãnh đạo của xưởng đúc chip hàng đầu thế giới đổ lỗi là do thiếu công nhân lành nghề ở Hoa Kỳ. TSMC đang chờ chính phủ Hoa Kỳ đưa ra quyết định cuối cùng về các khoản trợ cấp tín dụng cũng như các ưu đãi về thuế mà công ty sẽ được hưởng. Trong 5 năm đầu tiên hoạt động của nhà máy, TSMC đang trông cậy vào những khoản tiền đó để bù vào các chênh lệch chi phí mà họ phải chịu để sản xuất chip ở Hoa Kỳ, thay vì ở Đài Loan với mức giá rẻ hơn.
Đối với mức giảm doanh thu dự báo, tổng doanh thu của TSMC sẽ giảm 10%, tương đương từ 76 tỷ USD được báo cáo cho năm 2022 xuống dưới 69 tỷ USD trong năm nay. Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6, công ty cũng đã công bố mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái và cũng là lần giảm đầu tiên trong bốn năm. Trong quý này, lợi nhuận của TSMC đã giảm 23%, xuống chỉ còn dưới 5,9 tỷ USD. Nhu cầu tiêu dùng yếu được cho là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp như TSMC sụt giảm.
Ngoài ra, bất chấp mọi sự phô trương về việc bắt đầu sản xuất hàng loạt chip 3nm trong năm nay, giá thành của các tấm bán dẫn silicon (nguyên liệu để tạo ra khuôn của các con chip) khá cao, khoảng 20.000 USD Mỹ cho mỗi tấm bán dẫn đã ngăn cản nhiều đối tác đặt hàng sản xuất chip 3nm trong năm nay.
Apple dự kiến sẽ chiếm 90% sản lượng vi xử lý 3nm của TSMC vào năm 2023 khi chipset A17 Bionic mới được sản xuất. Con chip đó sẽ được sử dụng để cung cấp năng lượng cho iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max. Hai mẫu này có thể là thiết bị cầm tay duy nhất được bán trên toàn cầu với chip 3nm trong năm nay. TSMC sẽ chuyển sang nút quy trình 3nm ít tốn kém hơn là N3E vào năm tới.
Trước đó, TSMC đã nói rằng, xưởng đúc của họ sẽ bắt đầu sản xuất chip chạy nút quy trình 2nm vào năm 2025. Nhưng tờ United Daily News lại thông tin rằng, năm nay TSMC sẽ chỉ sản xuất thử nghiệm khoảng 1.000 con chip 2nm. Ý tưởng của TSMC là thử nghiệm quy trình mới và chạy sản xuất thử nghiệm quy mô chip chạy nút quy trình 2nm vào năm tới. TSMC hy vọng rằng, bản dùng thử giới hạn sớm của chip 2nm sẽ giúp họ tìm ra và khắc phục mọi sự cố sớm nhất có thể. Các khách hàng của TSMC được cho là đã hối thúc xưởng đúc này sớm thử nghiệm nút quy trình 2nm.
Nút quy trình 2nm của TSMC sẽ khởi chạy các bóng bán dẫn Gate-All-Around (GAA), cho phép cổng tiếp xúc với kênh ở tất cả các phía giúp giảm rò rỉ và tăng dòng truyền động. Không giống như các bóng bán dẫn FinFET hiện tại được TSMC sử dụng, vốn chỉ bao phủ ba trong số bốn mặt của cổng, bóng bán dẫn GAA sử dụng các tấm nano được đặt theo chiều dọc. Trong khi, Công ty sản xuất chip Samsung Foundry đã sử dụng bóng bán dẫn GAA để sản xuất 3nm, còn TSMC đang gắn bó với FinFET cho đến khi bắt đầu sản xuất chip 2nm.
Theo một slide mà TSMC trình chiếu tại một sự kiện đầu năm nay, các chip 2nm đầu tiên sẽ nhanh hơn 10% đến 15% với cùng công suất so với nút 3nm nâng cao của chính xưởng đúc này, trong khi với mức tiêu thụ năng lượng giảm từ 25% đến 30%.
TSMC cho biết, chip sản xuất với nút quy trình 3nm đầu tiên (N3) mang lại hiệu suất cao hơn 15% trong khi tiêu thụ ít năng lượng hơn từ 30% đến 35% so với nút 5nm của nó. Nút 4nm được sử dụng trên chip A16 Bionic của Apple, thực sự là phiên bản nâng cao của nút 5nm tới từ TSMC.
Hoàng Thanh