Nhu cầu về chip cao cấp ngày một tăng cao, điều này cho phép các công ty khai thác tiền mã hóa tái sử dụng những thiết bị đào - vốn đã ngừng sử dụng từ cuối năm ngoái khi thị trường tiền điện tử lao dốc.
Cuối năm 2021, khi thị trường tiền mã hóa bùng nổ, Satoshi Spain, công ty chuyên kinh doanh máy đào tại Barcelona, đã ăn nên làm ra nhờ bán và cho thuê các cỗ máy sử dụng bộ xử lý đồ họa (GPU) cao cấp dùng trong hoạt động khai thác tiền số. Nhưng từ cuối năm ngoái, hầu hết đơn hàng lại đến từ công ty AI, trong đó có các công ty khởi nghiệp, trường đại học và cả cá nhân là những nhà phát triển phần mềm.
"Bạn vẫn có thể kiếm tiền từ máy đào", người sáng lập Satoshi Spain, ông Alejandro Ibanez de Pedro nói. "Đó là khai thác 2.0".
Satoshi Spain là một trong số các công ty đã thay đổi - và tận dụng cơ hội, chuyển đổi từ đào tiền điện tử sang lĩnh vực AI. Họ đã tập trung vào sự tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo, trong đó một trong những tài sản quan trọng nhất của công ty là các bộ vi xử lý đồ họa, một công cụ quan trọng trong việc xây dựng các mô hình AI.
Nhu cầu về GPU đã tăng vọt sau sự ra mắt thành công của ChatGPT, một chatbot được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có thể trả lời các câu hỏi theo cách giống như con người.
Hai năm trước, khi giá tiền mã hóa tăng mạnh, các công ty khai thác đã đua nhau xây dựng và mua phần cứng được trang bị GPU cao cấp để đào tiền mã hóa. Tuy nhiên, sau sụp đổ về giá và những thay đổi trong cơ chế của đồng ETH, đã khiến nhiều cỗ máy khai thác ngừng hoạt động.
Will Mason, một Giám đốc điều hành tại Juice Labs, một công ty khởi nghiệp về mạng AI, gọi những con chip không hoạt động là “Dark GPU”.
Các công ty khởi nghiệp và các trường Đại học sẽ tận dụng Dark GPU các máy đào cho AI. Một số cố gắng lập trình lại cho việc xử lý dữ liệu, số khác tháo riêng GPU để bán.
Trên thực tế, cơ chế khai thác tiền điện tử khác với đào tạo mô hình AI. Các cỗ máy đào Bitcoin thường dùng GPU để giải thuật toán phức tạp và nhận về phần thưởng là Bitcoin, còn đào tạo AI liên quan đến những phép tính vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khối lượng dữ liệu lớn cần thiết để tạo ngôn ngữ hoặc hình ảnh đòi hỏi nhiều GPU giống hệt nhau, hoạt động đồng bộ và tiêu tốn nhiều bộ nhớ.
Mặc dù việc chuyển đổi chúng không phải lúc nào cũng dễ dàng, tuy nhiên các giàn khai thác được tân trang lại thường có mức giá phải chăng và dễ tiếp cận hơn so với cơ sở hạ tầng AI do các công ty đám mây hàng đầu cung cấp.
Dark GPU thường được sử dụng bởi các công ty khởi nghiệp và trường đại học đang gặp khó khăn trong việc sử dụng sức mạnh tính toán AI. Trong khi đó, các công ty AI lại thường dựa vào những ông lớn về dịch vụ đám mây như Microsoft và Amazon để cung cấp cơ sở hạ tầng điện toán. Tuy nhiên, những dịch vụ đám mây này đôi khi cũng bị quá tải và thậm chí họ còn không quan tâm đến những đơn đặt hàng nhỏ.
Các yêu cầu chuyên sâu để đào tạo mô hình AI và sự quan tâm ngày càng tăng của người dùng đã khiến ngay cả những công ty công nghệ lớn nhất cũng gặp khó khăn.
Sam Altmann, Giám đốc điều hành của Open AI, công ty phát triển ChatGPT, gần đây cho biết nhu cầu đối với các sản phẩm của công ty đã vượt xa khả năng xử lý.
Số lượng GPU thải loại được cho là nhiều nhất sau khi mạng Ethereum hợp nhất thành công tháng 9 năm ngoái, chuyển quy trình xác thực trên mạng blockchain từ bằng chứng công việc (PoW) vốn cần nhiều hệ thống GPU để khai thác sang phương thức bằng chứng cổ phần (PoS).
Vipul Ved Prakash, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp đám mây thay thế Together cho biết, khoảng 20% số chip GPU được thu thập có thể được tái sử dụng để huấn luyện các mô hình AI.
Prakash nói: “Bạn đang thấy ngày càng nhiều các nhà khai thác tiền mã hóa tham gia vào thị trường AI. Xu hướng này ngày một rõ nét".
Together cũng là nhà cung cấp dữ liệu đám mây tận dụng hạ tầng xử lý bằng thiết bị cũ từ máy đào tiền mã hóa. Dịch vụ của công ty rẻ hơn so với thị trường, được nhiều đơn vị đào tạo AI có kinh phí eo hẹp lựa chọn.
Demi Guo, người sáng lập công ty khởi nghiệp ứng dụng AI có tên Mellis AI, không thể nhận được mức giá hoặc dung lượng xử lý dữ liệu mà cô ấy cần từ các nhà cung cấp đám mây hàng đầu nên cô đang sử dụng phần cứng được tái sử dụng có sẵn thông qua đám mây của Together.
“Nó rẻ hơn so với những nơi có cơ sở hạ tầng phát triển”, cô Demi chia sẻ.
Saurabh Vij đã xây dựng một doanh nghiệp AI xung quanh các con chip trước đây được sử dụng để khai thác. Công ty khởi nghiệp Monster của anh có quyền truy cập vào hơn 30.000 con chip - hầu hết chúng đã từng được sử dụng để khai thác tiền mã hóa.
Saurabh Vij đã thực hiện hàng trăm giao dịch với những người khai thác Ethereum khi họ cố gắng tìm ra những phương pháp mới để kiếm tiền từ những thiết bị đắt tiền của họ. Chip đồ họa là một trong những bộ phận đắt nhất trong các cỗ máy khai thác, mức giá của chúng có thể lên tới hàng chục ngàn USD.
Kể từ năm 2019, công ty CoreWeave đã tân trang lại các máy đào cho những nhiệm vụ như kết xuất hình ảnh, phân tích khoa học và AI. Sự phát triển thần tốc của AI đã giúp công ty huy động được 400 triệu USD gần đây từ Nvidia và những công ty khác. Giám đốc điều hành của CoreWeave, Michael Intrator, cho biết các công ty đang tìm cách sử dụng các GPU cũ thay vì đầu tư cho những con chip mới.
Dù vậy, xây dựng hệ thống huấn luyện AI bằng GPU cũ cũng không rẻ. Theo Mark D'Aria, người chuyên mua bán máy đào tiền mã hóa cũ, những máy đào dùng GPU cấp thấp cần thêm ít nhất 5.000 USD cho thành phần bổ sung nếu muốn nó có thể xử lý dữ liệu và các tác vụ AI.
theo viettimes.vn
https://viettimes.vn/nhung-nguoi-khai-thac-tien-ma-hoa-tim-kiem-mot-loi-di-moi-trong-boi-canh-ai-bung-no-post168118.html