- Cisco vừa cho ra mắt giải pháp Secure Service Edge (SSE) mới nhằm mang lại cho khách hàng những trải nghiệm làm việc kết hợp (hybrid work) vượt trội và đơn giản hóa đáng kể việc truy cập từ mọi vị trí, mọi thiết bị và trên mọi ứng dụng...
Ông Jeetu Patel, Phó Chủ tịch Điều hành kiêm Tổng Giám đốc khối Bảo mật và Cộng tác tại Cisco, chia sẻ: “Với Cisco Secure Access, chúng tôi đang giảm bớt gánh nặng bảo mật cho người dùng, đồng thời cung cấp những trải nghiệm vượt trội với khả năng truy cập dễ dàng vào tất cả các ứng dụng nhằm hỗ trợ làm việc kết hợp một cách an toàn. Khả năng giám sát mạng chưa từng có của Cisco sẽ mang lại cho chúng tôi một lợi thế mà không công ty nào có được, và chúng tôi thực sự tin rằng Cisco là lựa chọn số một khi nói đến bảo mật và hệ thống an ninh mạng".
Những tính năng nổi bật của Cisco Secure Access
Bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, Lào và Campuchia cũng cho hay, trong một thế giới siêu phân tán như hiện nay, các doanh nghiệp cần một hướng đi thông minh hơn để quản lý truy cập mạng, đồng thời bảo vệ bản thân trước các mối đe dọa đang hình thành. Khi áp dụng mô hình làm việc kết hợp và làm việc ở mọi nơi, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần một nền tảng tích hợp giúp họ kết nối người dùng một cách liền mạch và an toàn trên mọi ứng dụng, thiết bị và ở bất cứ nơi đâu. Cisco Secure Access là cải tiến mới của chúng tôi nhằm mang lại những giá trị cao nhất cho khách hàng.
Theo đó, loạt tính năng nổi bật của Cisco Secure Access đem lại cho người dùng đó là:
Trải nghiệm truy cập: Cung cấp một cách đơn giản và dễ dàng để truy cập tất cả các ứng dụng và tài nguyên bằng cách điều hướng lưu lượng truy cập đến các trang nội bộ và công cộng một cách thông minh và an toàn mà không cần sự can thiệp của người dùng cuối.
Công cụ quản trị trên nền điện toán đám mây: Đơn giản hóa các hoạt động bảo mật bằng cách hội tụ nhiều chức năng thành một giải pháp dễ sử dụng để bảo vệ tất cả lưu lượng truy cập. Thay vì quản lý một loạt công cụ, quản trị viên và nhà phân tích có thể truy cập vào một nơi để xem tất cả lưu lượng truy cập, đặt ra tất cả chính sách và phân tích rủi ro bảo mật. Điều này giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí và linh hoạt trong môi trường CNTT.
Phát hiện và phản hồi nhanh hơn: Cisco Talos cung cấp khả năng phân tích để tăng tốc độ điều tra và ngăn chặn các mối đe doạ.
Cisco có quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị di động hàng đầu nhằm đem lại những trải nghiệm tốt nhất và an toàn nhất tới người dùng dù họ đang làm việc ở bất cứ đâu. Cisco đã hợp tác với Apple để kết hợp các tính năng Zero Trust Access (ZTA), được cung cấp bởi Cisco Secure Access vào trải nghiệm gốc trên hệ điều hành iOS và macOS, giúp người dùng truy cập an toàn vào các ứng dụng phổ biến, đồng thời giúp hệ thống CNTT trở nên đơn giản hơn và an toàn hơn cho mọi người.
Là một phần của nền tảng Đám mây Bảo mật của Cisco, Cisco Secure Access tận dụng toàn bộ tính năng còn lại của danh mục mạng và bảo mật của Cisco, bao gồm khả năng giám sát mạng Cisco ThousandEyes. Ngoài ra, Cisco Secure Access còn có thể dễ dàng tích hợp với các giải pháp từ các nhà cung cấp bên thứ ba. Cisco Secure Access có sẵn phiên bản giới hạn vào tháng 7/2023 và khả dụng rộng rãi vào tháng 10/2023.
AI cải thiện khả năng phản hồi mối đe doạ và đơn giản hóa quá trình quản lý chính sách bảo mật
Giảm tính phức tạp trong chính sách: Đám mây Bảo mật của Cisco sẽ áp dụng Trợ lý Chính sách do AI cung cấp, cho phép quản trị viên CNTT và Bảo mật mô tả các chính sách bảo mật chi tiết và đánh giá phương pháp triển khai một cách tốt nhất ở các khía cạnh khác nhau của cơ sở hạ tầng bảo mật. Đối với lần triển khai đầu tiên, khách hàng sẽ có thể làm việc với AI Assistant của Cisco để đánh giá và đưa ra các chính sách tường lửa hiệu quả hơn. Tính năng sẽ được ra mắt vào cuối năm nay, tận dụng các bộ quy tắc hiện có của khách hàng trong Trung tâm Quản lý Tường lửa Bảo mật của Cisco nhằm mang lại hiệu suất chưa từng có mà không làm mất đi khả năng kiểm soát chi tiết.
Nhanh chóng phát hiện và khắc phục mối đe dọa: Cisco’s SOC Assistant sẽ hỗ trợ Trung tâm Điều hành An ninh (SOC) phát hiện và phản hồi các mối đe dọa nhanh hơn. Khi xảy ra sự cố, Cisco’s SOC Assistant sẽ mô tả qua email, website, điểm cuối và mạng nhằm giúp các nhà phân tích SOC biết chính xác điều gì đã xảy ra và những tác động hiện hữu. Sau đó, họ có thể tương tác và làm việc với Cisco’s SOC Assistant để tìm ra phương pháp khắc phục tốt nhất, sử dụng kiến thức sâu rộng về những hướng giải quyết, đồng thời cân nhắc ý kiến đóng góp từ chính các nhà phân tích. Cisco lần đầu tiên chia sẻ khái niệm này tại Hội nghị RSA 2023 và chia sẻ rằng tính năng tóm tắt mối đe dọa sẽ khả dụng vào cuối năm 2023, các tính năng còn lại sẽ ra mắt trong đầu năm 2024.
Tăng cường bảo mật mạng cho mô hình làm việc kết hợp
Khi mô hình làm việc kết hợp đang trở thành xu thế tất yếu, người dùng mạng yêu cầu những trải nghiệm kết nối liền mạch ở mọi nơi.
Sản phẩm mới Cisco Secure Firewall 4200 Series nâng cao tiêu chuẩn về hiệu suất và tính linh hoạt với khả năng tăng tốc quá trình mã hóa, phân cụm và mô đun hóa.
Với hệ điều hành phiên bản 7.4, Secure Firewall 4200 có các tính năng: Ngăn chặn các mối đe dọa được mã hóa dựa trên AI và ML mà không cần giải mã; Nâng cấp Zero Trust Network Access (ZTNA) với chính sách và khả năng phát hiện mối đe dọa hoàn chỉnh cho từng ứng dụng riêng lẻ; Định tuyến phân nhánh được đơn giản hóa giúp điều hướng bảo mật, kiểm soát và hiển thị lưu lượng truy cập từ các văn phòng từ xa đến các ứng dụng trong trung tâm dữ liệu kết hợp.
Thiết bị Cisco Secure Firewall 4200 Series sẽ khả dụng rộng rãi vào tháng 9 năm 2023, hỗ trợ hệ điều hành phiên bản 7.4. Vào tháng 12 năm 2023, các mục còn lại của dòng thiết bị Secure Firewall sẽ khả dụng trên hệ điều hành 7.4.
Phạm Lê