- Vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số năm 2023. Tại hội thảo, bà Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, địa phương luôn tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Ở lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh Bình Phước vừa triển khai phần mềm tài nguyên và môi trường (TN&MT), để số hóa lĩnh vực đất đai với mục tiêu 100% thông tin đất đai trên toàn tỉnh được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu để khai thác vào cuối năm 2023.
Phần mềm TN&MT do Sở TN&MT tỉnh Bình Phước phối hợp Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) triển khai thực hiện, gồm các phân hệ thành phần như: quản trị hệ thống; quản lý hồ sơ địa chính; quản lý luân chuyển hồ sơ đất đai; quản lý hồ sơ quét; quản lý thống kê, kiểm kê đất đai; quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quản lý giá đất; cung cấp cổng thông tin trao đổi, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác, công bố thông tin đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Xác thực mã QR trên giấy chứng nhận đã được in.
Qua việc quét mã QR trên giấy chứng nhận in từ phần mềm sẽ giúp người dân và cán bộ quản lý có thể kiểm tra xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là thật hay giả.
Dự án phần mềm hiện đã hoàn thành liên thông, đồng bộ quy trình xử lý hồ sơ với Cổng dịch vụ công của tỉnh, hoàn thành thử nghiệm kết nối giữa phần mềm TN&MT tỉnh Bình Phước với phần mềm Tổng cục Thuế. Đồng thời kết nối với các hệ thống khác như lấy dữ liệu ngăn chặn từ phần mềm quản lý công chứng của Sở Tư pháp.
Hiện Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, 11 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai và 11 phòng TN&MT huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã được đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm.
Theo đánh giá của Tập đoàn VNPT, khi phần mềm đưa vào vận hành sẽ giảm gần 50% thời gian cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Việc áp dụng phần mềm sẽ thuận tiện hơn trong các khâu tra cứu thông tin quy hoạch, giá đất, giảm thời gian đi lại cho người dân, minh bạch thông tin, hạn chế tiếp xúc cán bộ hồ sơ nhằm giảm xảy ra tiêu cực.
Song song đó, việc kiểm tra thông tin về sổ đất cũng chính xác hơn thông qua quét mã QR đơn giản.
Thống kê năm 2022 cho thấy, Bình Phước đứng thứ 12 cả nước và đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ về xếp hạng chỉ số chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 12, kinh tế số xếp thứ 22 và xã hội số xếp thứ 14.
Bên cạnh đó, địa phương đã hoàn thành 22 chỉ tiêu trong 39 chỉ tiêu theo kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt mức xấp xỉ 100%; hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến trên 97%; hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện số hóa cấp tỉnh đạt trên 98%; thanh toán trực tuyến các dịch vụ công với gần 26.500 giao dịch với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bình Phước cũng đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng thông rộng cố định, truyền hình số mặt đất. Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh sử dụng công nghệ ảo hóa, bảo đảm năng lực tính toán, dung lượng lưu trữ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước đề nghị các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục tăng cường truyền thông về chuyển đổi số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số cũng như bảo đảm an toàn thông tin.
P.V (tổng hợp)