- Theo báo cáo của Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), trong 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc trên không gian mạng đạt tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay. Hàng nghìn thông tin xấu độc trên Facebook, YouTube, TikTok đã được gỡ bỏ...
Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), cho biết công tác đấu tranh với nền tảng xuyên biên giới để làm trong sạch, lành mạnh không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn vì không có tiền lệ, không có quy định sẵn để thi hành.
Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất là sử dụng tổng hợp giải pháp đồng bộ về mặt kinh tế, truyền thông. Đồng thời, chia nhóm đối tượng để quản lý, nhóm một là các nền tảng xuyên biên giới và nhóm hai là đại lý quảng cáo cung cấp nguồn tiền để nuôi sống nền tảng cùng các nhóm làm nội dung trên mạng.
Theo ông Lê Quang Tự Do, đối với các nền tảng xuyên biên giới, Cục PTTH&TTĐT tổng hợp các biện pháp nhằm duy trì ở mức cao tỷ lệ ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung xấu độc. Từ năm 2017 tới nay, việc hợp tác và tỷ lệ đáp ứng của các nền tảng liên tục được cải thiện.
ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử trình bày tham luận tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ TT&TT |
Từ năm 2020 đến nay, việc chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc đã được các nền tảng phối hợp thực hiện. Đã chặn, gỡ với số lượng lớn lên tới 700 link/tuần, tỷ lệ đáp ứng trên 90%. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã gở 2.549 bài viết; 12 tài khoản và 54 page quảng cáo. Youtube cũng đã gỡ 6.101 video và 7 kênh. Nền tảng Tiktok đã gỡ 415 link vi phạm, và 149 tài khoản.
Trong công tác thanh kiểm tra, 6 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên Cục PTTH&TTĐT đã thực hiện kiểm tra 01 nền tảng xuyên biên giới. Phối hợp liên ngành kiểm tra với nhiều lĩnh vực và dịch vụ khác nhau. Bắt buộc TikTok thừa nhận các hành vi vi phạm.
Cục PTTH&TTĐT đã sử dụng công nghệ rà quét, chặn lọc tự động các quảng cáo trực tuyến vi phạm. Làm việc với Facebook và Youtube về triển khai sử dụng công nghệ AI để phát hiện và xử lý tài khoản nguồn quảng cáo vi phạm theo quy trình xử lý rút gọn (chỉ dựa trên ảnh chụp các vi phạm quảng cáo điển hình do Bộ cung cấp); Yêu cầu các nền tảng XBG không quảng cáo và bật kiếm tiền đối với những trang, kênh vi phạm (Blacklist).
Năm 2022, Cục PTTH&TTĐT đã xử phạt VPHC đối với 16 trường hợp vi phạm QCXBG với tổng số tiền 225 triệu đồng. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục PTTH&TTĐT đã XPVPHC đối với 06 trường hợp vi phạm QCXBG với tổng số tiền 95 triệu đồng.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đặt ra đó là Tập trung hoàn thiện và tham mưu cho Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế NĐ 72 về quản lý Internet và thông tin trên mạng; Duy trì tỷ lệ chặn gỡ nội dung xấu độc trên các nền tảng xbg ở mức cao; tiếp tục đấu tranh để gỡ nhiều tài khoản, trang, kênh, nhóm vi phạm hơn.
Chấn chỉnh, xử phạt và buộc TikTok phải khắc phục các sai phạm, tuân thủ nghiêm pháp luật Việt Nam, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục kiểm tra, xử lý các nền tảng xuyên biên giới khác; Tiếp tục nắn chỉnh dòng tiền quảng cáo về các cơ quan báo chí, các trang kênh sạch, có kết quả số liệu bước đầu; Cùng với đó, phối hợp với cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung trên mạng đã tập hợp được để triển khai chiến dịch truyền thông về phòng chống tin giả trên mạng.
Phạm Lê