- Theo ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương, với dân số gần 100 triệu người và cơ cấu dân số trẻ, Việt Nam đang phát triển thành một thị trường trọng điểm, hứa hẹn là điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia trong việc tìm kiếm nhân tài kỹ thuật.
- Thưa ông, lý do gì khiến Infineon quyết định lựa chọn Việt Nam là địa điểm thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Singapore) để đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm?
Ông C.S. Chua: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực vi mạch.
Thực tế là “cuộc chiến” thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ là một trong những lý do khiến một số công ty công nghệ chuyển đổi nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, với Infineon, chúng tôi không dựa hoàn toàn vào lý do này. Trong nhiều năm quan sát và hoạt động qua kênh phân phối, qua văn phòng đại diện, Infineon tìm thấy rất nhiều cơ hội kinh doanh ở đây và cuối cùng quyết định thành lập công ty 100% vốn nước ngoài cũng như đầu tư một trung tâm R&D tại Hà Nội. Những quyết định này xuất phát từ sự nhìn nhận về tiềm năng phát triển thực tế của thị trường Việt Nam.
Lý do nữa để chúng tôi lựa chọn Việt Nam là điểm đặt trung tâm R&D thứ hai tại Đông Nam Á (sau Singapore) là bởi Việt Nam có dân số trẻ, nhân lực công nghệ của các bạn làm việc rất chăm chỉ. Các đối tác thuê ngoài (outsourcing) có năng lực tốt, Thêm vào đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều trường Đại học có chương trình đào tạo tốt, không chỉ tập trung ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương khác.
Ông C.S. Chua, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Infineon Technologies châu Á - Thái Bình Dương: Infineon sẽ hỗ trợ mạnh mẽ thị trường vi điều khiển cho ô tô đang phát triển của Việt Nam |
- Infineon đã ký MOU với Đại học Bách Khoa Hà Nội và bắt đầu phát triển các thế hệ kỹ sư có năng lực cao. Trong một năm qua, việc hợp tác này đã có kết quả ban đầu gì chưa và trong tương lai liệu đội ngũ kỹ sư tài năng do Infineon hỗ trợ trường đào tạo có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn cho các vị trí ở các trung tâm R&D của Infineon tại Hà Nội và cả các nước khác không?
Năm 2022, Infineon đã có bước hợp tác đúng đắn và cực lỳ hợp lý với Đại học Bách Khoa Hà Nội. Khi làm việc với Đại học Bách khoa, tham quan phòng thí nghiệm của họ, chúng tôi thấy sinh viên ở đây sáng tạo, có khả năng thiết kế khá tốt. Tất nhiên, mọi việc hầu như mới chỉ dừng lại ở mức độ tiếp thu kiến thức giảng dạy, cơ hội thực hành còn khiêm tốn.
Chúng tôi hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội để tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận kiến thức chuyên sâu về vi mạch thông qua các hội thảo chuyên ngành và các khóa đào tạo bởi kỹ sư của Infineon , thực hành công việc ở mức độ phù hợp, trong đó có cả việc đón nhận những sinh viên tốt của Đại học Bách khoa tham gia thực tập tại văn phòng Infineon Việt Nam, hướng tới mục tiêu tuyển dụng chính thức sinh viên sau tốt nghiệp tới làm việc cho Infineon Việt Nam.
- Đánh giá của ông về nguồn nhân lực trong lĩnh vực chip vi điều khiển cho các ứng dụng ô tô của Việt Nam? Thành lập trung tâm phát triển tại đất nước chúng tôi, tỷ lệ nhân lực là người Việt sẽ chiếm bao nhiêu %? Việc đào tạo nhân lực được Infineon chú trọng các yếu tố gì?
Mục tiêu của Infineon là tỷ lệ nhân lực người Việt làm tại trung tâm phát triển chip điện tử của Infineon ở Hà Nội là 100%.
Infineon, với kinh nghiệm lâu năm trong ngành chip vi điều khiển cho ứng dụng ô tô, luôn có những khóa đào tạo nội bộ không chỉ dành cho nhân sự mới mà cả với những người đã có kinh nghiệm. Chúng tôi cũng luôn mong muốn đội ngũ nhân viên Infineon liên tục tiếp thu và học hỏi văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa Đức để phát huy tinh thần chăm chỉ, chính xác, nghiêm túc và nỗ lực trong công việc của người Đức.
- Ông có thể chia sẻ về thị phần trong lĩnh vực vi điều khiển ô tô của Infineon hiện nay?
Infineon hiện đang dẫn đầu về chất bán dẫn ô tô nói chung với 12,4% thị phần toàn cầu. Ở lĩnh vực vi điều khiển cho ô tô, chúng tôi xếp ở vị trí thứ 2 với gần 24% thị phần.
- Ông đánh giá như thế nào về khả năng phát triển của Infineon tại thị trường Việt Nam và Infineon có đặt mục tiêu cũng sẽ đứng đầu về lĩnh vực này trong thời gian tới ở Việt Nam hay không?
So với các quốc gia trong khu vực, thời gian thiết kế cho một sản phẩm của Việt Nam khá ngắn. Tôi rất ngạc nhiên vì điều này, bởi đó là kết quả khả quan so với một số quốc gia khác. Một số khách hàng của Việt Nam có thể tạo ra một sản phẩm hoàn thiện trong vòng chỉ từ 12 đến 18 tháng.
Thêm nữa, tôi cũng ấn tượng với văn hóa làm việc ở Việt Nam. Đội ngũ nhân lực làm việc rất chăm chỉ và ban giám đốc có thể ra quyết định rất nhanh.
Infineon sẽ cố gắng để tiếp tục đưa được nhiều sản phẩm vào Việt Nam. Chúng tôi đã khá thành công trong những năm gần đây với sự tăng trưởng doanh số và thị phần. Dù chưa có thống kê cụ thể nhưng Infineon tự tin rằng chúng tôi cũng đang nắm giữ một thị phần khá lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Infineon tiếp tục phát triển trung tâm nghiên cứu R&D nhằm đem tới nhiều lợi ích và tiềm năng hơn ở thị trường này.
- Xin cảm ơn ông!
Phạm Lê (thực hiện)