- Báo cáo về kinh tế số và xã hội số Việt Nam năm 2022 sẽ có nội dung đánh giá tỷ trọng kinh tế số trong GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của 63 tỉnh, thành phố dự kiến sẽ được công bố trong tháng 7 tới.
Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột chính của chuyển đổi số quốc gia, cùng với Chính phủ số và xã hội số. Là trọng tâm của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số được đánh giá sẽ tạo ra sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.
Để thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, lần lượt vào tháng 6/2021 và tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 2 chiến lược quan trọng là “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo ước tính của Bộ TT&TT, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022. Đây là số liệu tạm ước tính của Bộ TT&TT theo doanh thu từ Tổng cục Thuế năm 2022 để phục vụ công tác quản lý chuyên ngành. Số liệu này sẽ được điều chỉnh sau khi Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT công bố chính thức phương pháp và kết quả tính toán tỷ trọng kinh tế số tên GDP.
Tại kế hoạch hành động năm 2023, triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Bộ TT&TT đã đặt mục tiêu thúc đẩy tỷ trọng kinh tế số trong GDP đạt 15,5% trong năm 2023 và 17,5% vào năm 2024.
Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2023 của Bộ TT&TT với các Sở TT&TT, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT đang phối hợp với Bộ KH&ĐT thực hiện việc đo lường tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các địa phương. Đến nay, Bộ KH&ĐT đã ban hành Thông tư, phương pháp luận để đánh giá. Tuy nhiên, cơ quan này hiện đang nghiên cứu cách thức thu thập dữ liệu và phương pháp đánh giá cụ thể.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng cho biết thêm, 3 đơn vị trong Bộ TT&TT gồm Vụ Kinh tế số và xã hội số, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có 1 phương pháp, thu thập dữ liệu mẫu sẵn, và hiện đã có kết quả đánh giá về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của 63 địa phương năm 2022.
Bộ TT&TT dự kiến sẽ công bố nội dung này trong Báo cáo thường niên về kinh tế số và xã hội số Việt Nam. “Sau khi hoàn thiện, các đơn vị sẽ báo cáo Bộ trưởng phê duyệt, và dự kiến công bố trong tháng 7/2023”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, kinh tế số bao gồm: Kinh tế số ICT là công nghiệp CNTT và dịch vụ viễn thông; Kinh tế nền tảng là hoạt động kinh tế của các nền tảng số, các hệ thống trực tuyến kết nối giữa cung với cầu và các dịch vụ trực tuyến trên mạng; kinh tế số ngành là hoạt động kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Các mục tiêu cơ bản về phát triển kinh tế số đến năm 2025 gồm có: Tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; và tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động đạt trên 2%.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số, tháng 04/2023 , tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 278 triệu lượt, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm ngoái; Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2022; Số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu có tổng cộng 07 ứng dụng và 11 ứng dụng có từ 05 đến 10 triệu người dùng; 02 ứng dụng do cơ quan nhà nước phát triển được người dùng sử dụng nhiều nhất là VssID và VNeID.
PV