- Trái ngược với thế giới, thị trường tuyển dụng lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam khá sôi động và cạnh tranh. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn “đỏ mắt” tìm kiếm nhân sự công nghệ chất lượng cao do khoảng cách đáng kể giữa năng lực ứng viên và yêu cầu nhà tuyển dụng.
Lĩnh vực công nghệ đang trải qua làn sóng sa thải nhân sự trong những năm gần đây. Theo trang web Layoffs.fyi, riêng trong năm 2022 có tới gần 165.000 nhân sự bị mất việc tại hơn 1000 công ty công nghệ. Trong năm 2023 thậm chí tình hình còn tệ hơn khi chỉ từ đầu năm đến nay, hơn 210.000 nhân viên từ Thung lũng Silicon đến Bengaluru mất việc khi các công ty công nghệ thực hiện chính sách cắt giảm và đóng băng tuyển dụng.
Làn sóng sa thải tiếp tục lan sang Đông Nam Á, điển hình như Shopee, Alibaba và Grab, khi tình trạng thua lỗ xảy ra liên tục khiến các đơn vị phải tối ưu lại chi phí nhân sự. Riêng với những công ty khởi nghiệp như GoTo Group và Carousell, họ thừa nhận đã chủ quan trước quyết định mở rộng quy mô nhân sự quá nhanh mà doanh thu về chậm hơn dự kiến.
Nhân sự công nghệ tại Việt Nam cũng khó tránh khỏi “cơn địa chấn” cắt giảm của các doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp công nghệ nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đã thực hiện việc sa thải hàng loạt nhân viên theo công ty mẹ nhằm bảo toàn đồng vốn đầu tư kinh doanh, trong đó đáng chú ý là các sàn thương mại điện tử.
Mặc dù diễn ra ở phạm vi toàn cầu nhưng mức độ tác động của suy thoái công nghệ lại khác nhau theo từng khu vực. Theo đó, nhiều chuyên gia nhân sự đánh giá tác động này đã được giảm thiểu ở Việt Nam vì lĩnh vực công nghệ vẫn đang phát triển và trưởng thành, lại nhận được ảnh hưởng tích cực từ môi trường chính trị. Bởi lẽ chuyển đổi số đã trở thành chiến lược quốc gia và được ưu tiên hàng đầu.
“Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong cơ hội phát triển tiếp của lĩnh vực công nghệ. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được triển khai mạnh mẽ đã thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam từng bước bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, nhu cầu tuyển dụng nhân viên công nghệ phục vụ cho nhiều nhóm ngành, nghề cũng tăng lên”, ông Nguyễn Thượng Tường Minh, Tổng Giám đốc Base.vn, nhận định.
Nhìn vào bức tranh tổng thể trong khoảng thời gian dài hơn, báo cáo thập niên 2010 và năm 2020 của Vietnamwork cho thấy 1 thập kỷ vừa qua chứng kiến nhu cầu nhân sự ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) đã tăng gấp 4 lần. Đây là ngành có tốc độ tăng trưởng về nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong tất cả các ngành nghề.
Nhiều báo cáo cũng chỉ ra thị trường lao động lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ, trong thời gian dài nhiều công ty nước ngoài đã đến Việt Nam tìm kỹ sư CNTT khiến mặt bằng lương tăng đáng kể, nhiều vị trí lương tăng 7-10 lần.
Tổng Giám đốc Base.vn phát biểu tại Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa trường Đại học Ngoại thương và Base.vn |
Lao động công nghệ Việt Nam vẫn được “săn đón”
Chuyên gia Phạm Diệu Linh, Giám đốc Nhân sự Base.vn cho rằng việc các tập đoàn công nghệ trên thế giới sa thải hàng loạt có thể lại là một diễn biến có lợi cho nhân sự công nghệ ở Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến tìm kiếm nhân sự CNTT, ví dụ như Huawei và Glints. “Bởi trong bối cảnh khó khăn, các tập đoàn công nghệ sẽ tìm nguồn nhân lực chi phí thấp, trong đó Việt Nam và Ấn Độ vốn tạo được tiếng vang về nhân sự CNTT có chất lượng cao nhưng chi phí thấp hơn so với Mỹ và châu Âu”.
Đánh giá về nhu cầu nhân sự ngành CNTT ở Việt Nam, bà Phạm Diệu Linh cho biết thị trường vẫn rất “khát” nhân lực và cơ hội việc làm vẫn rộng mở ít nhất 10 đến 20 năm nữa. Bằng chứng là Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư công nghệ cao khi nhiều tập đoàn công nghệ như Samsung, Apple, LG, Foxconn.. không chỉ đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam mà còn đầu tư vào mảng nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Trong 5 năm tới, theo báo cáo của TopCV, 5 ngành CNTT sẽ có nhu cầu nhân sự cao nhất tại Việt Nam là: SaaS, AI, E-Commerce, EdTech, Blockchain… Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) có nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Cũng theo Bộ thông tin và Truyền thông, mỗi năm, Việt Nam sẽ tăng 13% nhu cầu tuyển dụng về CNTT. Thị trường công nghệ thay đổi rất nhanh, đôi khi chỉ một vài năm là xu hướng đã thay đổi.
Trước bối cảnh này, Tổng Giám đốc Base.vn cho rằng thách thức của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ SaaS (Software as a Service - dịch vụ phần mềm ) như Base.vn là giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, lành mạnh; đồng thời vừa mở rộng quy mô nhân sự, vừa tối ưu nguồn nhân lực để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng về sản phẩm, khách hàng và doanh thu.
Như vậy, thị trường công nghệ Việt Nam sẽ chứng kiến một giai đoạn bùng nổ tiếp theo và cần nhiều nguồn lực chất lượng cao để phát triển khi các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng lên điện toán đám mây, thay vì sử dụng phần mềm được phát hành theo kiểu truyền thống.
Nhân sự ngành CNTT cần được định hướng và đào tạo thêm
Theo báo cáo của TopCV, vào cuối năm 2022, hơn 40% công ty công nghệ tại Việt Nam phản hồi rằng đang thiếu hụt nhân sự làm được việc, kể cả với sinh viên được đào tạo chuyên sâu và đúng lĩnh vực công nghệ.
Mặc dù thị trường lao động Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn công nghệ nhưng không có nhiều đơn vị dành thời gian đầu tư hay đào tạo nhiều để phát triển nhân sự. Theo bà Diệu Linh, điều này dẫn tới thực tế có nhiều kỹ sư chỉ giỏi chuyên môn, vẫn thiếu nhiều kỹ năng bổ trợ như ngoại ngữ, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm việc nhóm. Với những kỹ sư đã lên đến vị trí quản lý, vẫn có những người thiếu hụt năng lực quản lý và phát triển đội nhóm. Tại Base.vn, nhân sự thường cần thời gian đào tạo từ 3-6 tháng về kiến thức chuyên môn, kỹ năng và năng lực bổ trợ để có thể làm việc hiệu quả và đáp ứng nhu cầu từ công ty.
“Không chỉ xây dựng tư duy nền tảng, sinh viên cần liên tục cập nhật kỹ năng công nghệ để dễ dàng thích ứng với thị trường”, Giám đốc Nhân sự Base.vn chia sẻ
“Việc lương lĩnh vực công nghệ tăng là điều đáng mừng nhưng theo quy luật tất yếu, sẽ đến lúc thị trường điều chỉnh lại mức lương sao cho tương xứng giữa năng lực với nhu cầu thực tế. Vì thế, nhân sự trong lĩnh vực này phải phát triển các kỹ năng, năng lực chuyên môn và bổ trợ liên tục để đáp ứng được kỳ vọng và có sự thăng tiến trong công việc”, Giám đốc Nhân sự Base.vn cho biết thêm.
Cơ hội rộng mở trong ngành CNTT cho nhân sự được đào tạo về kinh tế và kinh doanh
Bên cạnh các vị trí kỹ sư CNTT, bà Phạm Diệu Linh cũng cho biết: “Thị trường lao động ngành CNTT đang rất sôi động với nhiều vị trí dành cho nhân sự xuất phát từ lĩnh vực kinh tế và kinh doanh, như chuyên viên tư vấn chuyển đổi số, triển khai công nghệ, kỹ sư giải pháp, chăm sóc khách hàng, kiểm thử phần mềm, phân tích dữ liệu… Đa phần hồ sơ nhân sự đều không cần lý lịch về công nghệ”.
Ngành CNTT mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai |
Theo Giám đốc Nhân sự Base.vn, người lao động muốn ứng tuyển vào các công ty công nghệ rất cần được đào tạo thêm về công nghệ, cụ thể hơn là tư duy chuyển đổi số và kỹ năng, năng lực công nghệ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho mọi doanh nghiệp và mọi lĩnh vực, bài toán đặt ra cho các nhà kinh tế, quản trị là khai thác tối đa cơ hội trên cả bốn phương diện: tự động hóa dây chuyền; phân tích dữ liệu và dự đoán xu hướng; tối ưu chuỗi cung ứng; và số hóa hệ thống vận hành. Việc được tiếp cận sớm với kiến thức công nghệ sẽ hình thành trong sinh viên kinh tế tư duy áp dụng công nghệ vào giải quyết các bài toán kinh tế và quản lý.
Hiện nay, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương đã có cơ hội tiếp cận một số học phần liên quan đến công nghệ trong khuôn khổ Chương trình vệ tinh “Khoa học dữ liệu trong Kinh tế và Kinh doanh”. Nắm bắt được xu hướng liên kết với các cơ sở giáo dục, nhiều doanh nghiệp công nghệ như Base.vn đang đồng hành cùng trường Đại học Ngoại thương để đưa nội dung liên quan đến công nghệ vào chương trình đào tạo chính quy của Khoa Quản trị Kinh doanh.
“Việc doanh nghiệp tham gia định hướng giúp sinh viên làm quen với các ứng dụng công nghệ, mô hình và phần mềm trong quản trị sẽ giúp nguồn nhân lực tương lai tích lũy được nền tảng tương đối chắc chắn, các đơn vị không phải đào tạo lại. Khi đó, đầu ra của nhà trường chính là đầu vào của doanh nghiệp”, Tổng Giám đốc Base.vn - ông Nguyễn Thượng Tường Minh kết luận.
Phạm Lê