Ngày 27/6, các nước EU đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dữ liệu, trong đó bao gồm các quy tắc quản lý cách thức mà các công ty công nghệ lớn và các công ty khác sử dụng dữ liệu người dùng.
Biểu tượng của Facebook. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 27/6, các nước Liên minh châu Âu (EU) cùng các nghị sĩ của khối này đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dữ liệu, trong đó bao gồm các quy tắc quản lý cách thức mà các công ty công nghệ lớn và các công ty khác sử dụng dữ liệu người dùng và doanh nghiệp châu Âu, với mục tiêu đảm bảo không để xảy ra nguy cơ rò rỉ dữ liệu ra bên ngoài châu Âu.
Hãng tin Reuters cho biết thỏa thuận trên đã đạt được sau các cuộc đàm phán kéo dài 7 giờ. Trên mạng xã hội Twitter, ông Thierry Breton - Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU, cho biết thỏa thuận về Đạo luật Dữ liệu là cột mốc lớn trong việc tái định hình sự phát triển của lĩnh vực số, giúp phát triển hơn nữa nền kinh tế dựa trên dữ liệu của EU.
Theo đạo luật mới, các cá nhân và doanh nghiệp EU đều được trao quyền kiểm soát lớn hơn đối với cơ sở dữ liệu của mình. Ngoài ra, họ cũng được quyền sao chép hoặc truyền tải dữ liệu một cách dễ dàng hơn giữa các loại hình dịch vụ khác nhau.
Đạo luật cũng cho phép việc chuyển đổi dữ liệu từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác một cách an toàn mà không xảy ra bất kỳ vi phạm nào, cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn tương tác để dữ liệu có thể được chia sẻ và tiếp cận giữa các ngành trong EU mà không gặp trở ngại nào.
Tuy nhiên, đạo luật mới cũng vấp phải quan ngại khi một số nhà sản xuất cho rằng phạm vi điều chỉnh rộng của đạo luật có thể tạo lỗ hổng trong quá trình chia sẻ dữ liệu, bao gồm nguy cơ rò rỉ bí mật thương mại mà hệ quả là gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Nghị sĩ Damian Boeselager cho rằng cần thiết lập một cơ quan quốc gia để đánh giá kịp thời bất kỳ quyết định đơn phương nào do nhà điều hành doanh nghiệp đưa ra.
Hồi năm 2022, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất Đạo luật Dữ luật để bảo vệ dữ liệu được lưu trữ và thiết lập trên các thiết bị, máy móc thông minh cũng như trên các sản phẩm tiêu dùng. Đây là một phần của hàng loạt nỗ lực pháp lý của EU nhằm ngăn chặn nguy cơ vi phạm quyền quyền tiếp cận dữ liệu.
Mối quan ngại của EU về hoạt động sao chép và truyền tải dữ liệu ngày càng gia tăng sau vụ việc gây chấn động toàn cầu hồi năm 2013 khi Edward Snowden, cựu nhân viên hợp đồng của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, tiết lộ quy mô hoạt động giám sát mật của Mỹ./.
(theo Bnews)