- Giá chip của TSMC sử dụng các nút quy trình 4nm và 5nm được sản xuất tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ cao hơn từ 20% đến 30% so với chip có nút quy trình tương tự được sản xuất tại Đài Loan.
TSMC có tên đầy đủ là Taiwan Semiconductor Manufacturing Company, chuyên sản xuất chip và các sản phẩm bán dẫn cung cấp cho toàn thế giới. Đây là công ty có tuổi đời không quá lớn (thành lập từ năm 1987), song đã có thị phần và doanh thu thuộc vào loại lớn nhất ngành công nghiệp bán dẫn.
Thị phần sản xuất bán dẫn và chip của TSMC dẫn đầu toàn cầu trong nhiều năm, với con số luôn dao động từ 48 – 51%. Điều này đồng nghĩa TSMC là nhà cung ứng quan trọng hàng đầu của các tập đoàn điện tử hàng đầu như AMD, Apple, ARM, Broadcom...
Bắt đầu từ năm tới, TSMC sẽ chính thức đưa vào hoạt động nhà máy đầu tiên trong số hai nhà máy được đặt tại Hoa Kỳ. Với sự kiện này, tờ DigiTimes đưa ra nhận định, chip do TSMC sản xuất tại Hoa Kỳ có thể khiến khách hàng phải trả nhiều tiền hơn so với chip tương tự được sản xuất tại Đài Loan. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do TSMC sẽ phải tìm cách thu hồi chi phí xây dựng nhà xưởng cao hơn ở Hoa Kỳ. Giá chip sử dụng các nút quy trình 4nm và 5nm của TSMC được sản xuất tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ cao hơn từ 20% đến 30% so với chip có nút quy trình tương tự được sản xuất tại Đài Loan.
Chip do TSMC sản xuất ở các quốc gia khác ngoài Đài Loan sẽ có giá cao hơn và điều này đúng ngay cả với cơ sở sản xuất của TSMC ở Kumamoto, Nhật Bản. Các con chip sử dụng các nút quy trình như 28 nm/22nm và 16nm/12nm được sản xuất từ nhà máy của Nhật Bản sẽ có giá cao hơn từ 10% đến 15% so với những con chip tương tự được tạo ra ở Đài Loan.
Để duy trì tỷ suất lợi nhuận gộp trên 50%, đây là điều mà các nhà đầu tư sẽ vui mừng thay cho lợi nhuận giảm, TSMC cần tăng giá chip được sản xuất bên ngoài Đài Loan để bù vào những chi phí để đầu tư xây dựng các nhà máy ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc TSMC tăng giá chip bên ngoài Đài Loan không nhận được sự tán thành của các khách hàng, nhiều đối tấc đã tiến hành đàm phán với TSMC để có được một mức giá phù hợp, trong khi một số khách hàng khác đang cân nhắc chuyển sang nhà sản xuất chip khác là Samsung Foundry hoặc Intel. AMD và Qualcomm được cho là đang cân nhắc chuyển sang Samsung Foundry.
Qualcomm đã quay trở lại hợp tác với TSMC vào năm ngoái để đặt mua vi xử lý Snapdragon 8+ Gen 1 sau khi Samsung Foundry thông báo tỷ lệ năng suất chưa đầy 35% khi sản xuất chip nút quy trình 4nm. Trong khi tỷ suất lợi nhuận của TSMC vào thời điểm đó là 70%. Nvidia được đồn là sẽ chuyển sang hợp tác với Intel.
Hiên tại, Samsung Foundry được cho là đang phục hồi với tỷ lệ năng suất 70% cho nút 4nm của mình. Cùng với đó, Qualcomm sẽ có vi xử lý Snapdragon 8 Gen 4 do cả TSMC và Samsung chế tạo bằng cách sử dụng các nút quy trình 3nm thế hệ thứ hai của họ. Nhưng khách hàng lớn nhất của TSMC vẫn được giảm giá khá lớn. Được biết, khách hàng lớn nhất chiếm 25% doanh thu hàng năm của TSMC chính là Apple.
Apple vẫn nhận được chiết khấu giá 20-30% từ TSMC vì nhà sản xuất iPhone là đối tác duy nhất sẵn sàng trả tiền để sử dụng các nút mới nhất của xưởng đúc này. Cụ thể, với giá của một đĩa bán dẫn (wafer) là khoảng 20.000 USD (trước khi áp dụng giảm giá), chỉ có Apple đặt sản xuất chip nút quy trình 3nm từ TSMC trong năm nay và do đó, iPhone 15 Pro và iPhone 15 Ultra sẽ là điện thoại thông minh toàn cầu duy nhất chạy chip A17 Bionic sử dụng nút quy trình 3nm.
Hoàng Thanh