- Ngành công nghiệp game Việt Nam đang trong giai đoạn nở rộ. Năm 2020, tổng doanh thu của ngành này cán mốc 12.000 tỷ đồng (khoảng 530 triệu USD, tăng hơn gấp đôi so với năm 2015) và đặt mục tiêu lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm nữa.
Là những người từng làm việc trong ngành game và hiện là giảng viên thiết kế game và truyền thông tương tác tại Đại học RMIT, Tiến sĩ Renusha Athugala, Thạc sĩ Hoàng Bảo Long cùng Thạc sĩ Christian Berg phân tích vấn đề mấu chốt giúp ngành game phát triển ở Việt Nam.
Những yếu tố thiếu hụt trong ngành game
Năm trong 10 công ty phát hành game hàng đầu tính theo số lượt tải xuống ở khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand đến từ Việt Nam, theo báo cáo của App Annie năm 2021. Số liệu cũng chỉ ra rằng Việt Nam là một trung tâm game lớn ở Đông Nam Á với khoảng 430.000 nhà lập trình game đang làm việc cho nhiều công ty trong nước và quốc tế.
Tuy vậy, thực tế cho thấy các studio game Việt Nam mới chỉ thiết kế được rất ít game độc đáo, mới mẻ và đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Khảo sát do công ty LacBird Co. (một startup về nghiên cứu trải nghiệm người dùng và phát triển ứng dụng công nghệ) thực hiện chỉ ra rằng hầu hết các studio game ở Việt Nam đang hoạt động với mô hình gia công phần mềm. Họ phụ trách các phần việc liên quan tới gia công đồ họa, lập trình hoặc nhân bản game (sao chép game).
Điều này dẫn đến việc thiếu hụt các nhà thiết kế game có kỹ năng tạo ra một game hoàn chỉnh từ những bước đầu cho đến thành phẩm. Nói cách khác, Việt Nam chưa có nhiều “game designer” - nhà thiết kế game, mà mới chỉ có nhiều “game developer” - nhà lập trình game.
Nhiều game của Việt Nam được tạo ra bởi các nhà lập trình game thiếu tư duy vượt khuôn khổ, dẫn đến việc họ bị hạn chế trong khả năng đổi mới sáng tạo và sản phẩm ra lò thiếu tính độc đáo. Với trọng tâm phát triển game là nhân bản và gia công phần mềm, nhiều studio game Việt có thể kiếm tiền nhanh chóng nhưng khó có thể bứt phá trên thị trường toàn cầu.
Từ góc nhìn của những người từng làm việc trong lĩnh vực game và hiện là giảng viên đại học, chúng tôi cho rằng trở ngại lớn mà các nhà lập trình game Việt Nam phải vượt qua chính là “tư duy sản xuất”.
Kết quả từ 32 cuộc phỏng vấn của LacBird với đại diện các studio game từ quy mô nhỏ (3-5 nhân viên) đến trung bình (25-50 nhân viên) tại Hà Nội và TP.HCM chỉ ra rằng, hầu hết các nhà thiết kế gặp khó khăn ở giai đoạn hình thành ý tưởng ban đầu. Do đó, họ có xu hướng tìm kiếm các game được tải xuống nhiều nhất hoặc bán chạy nhất trên các cửa hàng ứng dụng của Google, Apple hay Steam. Họ đầu tư nhiều thời gian và tài chính để sao chép gần như y nguyên các sản phẩm này, thậm chí nhân bản các ứng dụng này và chỉ thay đổi đồ họa, âm thanh.
“Tư duy sản xuất” này là hậu quả của việc đi theo lối mòn của các doanh nghiệp gia công phần mềm, làm giảm khả năng đổi mới sáng tạo. Nếu muốn ngành thiết kế game Việt đứng vững và trở thành một phần của ngành công nghiệp game toàn cầu cũng như tạo ra được các game độc đáo, chúng ta sẽ cần chuyển “tư duy sản xuất” thành “tư duy thiết kế sáng tạo”. “Thiết kế” ở đây bao hàm tư duy sáng tạo, lên ý tưởng, quá trình tưởng tượng và lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và phân tích, nghiên cứu và đánh giá, nghệ thuật, khoa học và công nghệ.
Sự kiện chơi thử board game do sinh viên RMIT lên ý tưởng |
Chú trọng đào tạo bài bản nhân lực thiết kế game
Các chuyên gia của RMIT cho rằng ngành game Việt Nam có tiềm năng trở thành trụ cột hàng đầu của nền kinh tế kỹ thuật số và xây dựng vị thế nổi trội trên thị trường game toàn cầu. Song để làm được điều này, Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào đào tạo bài bản những nhà thiết kế game với tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, cũng như đầy đủ khả năng thích ứng với công nghệ mới và xu hướng thị trường.
Đại học RMIT đã đưa vào giảng dạy chương trình Cử nhân Thiết kế Game tại Việt Nam từ năm 2022. Với chương trình này, chúng tôi định hướng đào tạo ra những nhà thiết kế game với các kỹ năng cần thiết như suy nghĩ, lên ý tưởng, tư duy thiết kế, phân tích phản biện, giải quyết vấn đề, nghiên cứu, dẫn dắt cốt truyện, thiết kế màn chơi, thiết kế hệ thống, sáng tạo nội dung, xây dựng nguyên mẫu sản phẩm, cân bằng gameplay, kiểm thử sản phẩm…Trong đó, một trong những mục tiêu chính là giáo dục cho sinh viên biết sáng tạo.
Tại RMIT, việc giảng dạy, nghiên cứu và tạo ra những game “nghiêm túc”, có tác động tích cực đến xã hội và cộng đồng địa phương như game phục vụ mục đích giáo dục và chăm sóc sức khỏe, game mô phỏng, game cho mục đích thiện nguyện, game kể chuyện bằng hình ảnh. Các chuyên gia của RMIT quan niệm rằng game không chỉ để giải trí, mà còn có thể kể một câu chuyện, chia sẻ văn hóa và lịch sử, giáo dục hoặc truyền tải một thông điệp…
PV