- Đến ngày 15/5/2023, trong tổng số 3,84 triệu thuê bao mà doanh nghiệp sau khi rà soát, đối chiếu với CSDL quốc gia về dân cư đã xác định cần được nhắn tin thông báo, đề nghị người sử dụng chuẩn hóa thông tin, đã có hơn 2,8 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa.
Cụ thể, hơn 2,85 triệu thuê bao (74,21%) thực hiện chuẩn hóa (trong 3 giai đoạn: sau khi nhận được thông báo (từ 15/3-31/3), sau khi bị khoá 1 chiều (từ 31/3) và sau khi bị khoá 2 chiều (từ 15/4). Tuy nhiên vẫn có hơn 985 nghìn thuê bao (25,79%) chưa thực hiện chuẩn hoá theo thông báo đã bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông, thu hồi số thuê bao.
Với các số đã bị thu hồi này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ thu về kho số của mình và thực hiện việc cung cấp cho các cá nhân, tổ chức khác có nhu cầu theo quy định (điểm h khoản 8 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP).
Các kết quả đạt được nêu trên là do người sử dụng đã ý thức được việc sử dụng số điện thoại được đăng ký thông tin đầy đủ, chính xác với thông tin của bản thân là rất quan trọng, khi chiếc điện thoại đã trở thành một phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.
Đặc biệt là sự vào cuộc, thực hiện đồng bộ của các doanh nghiệp trong việc triển khai các biện pháp thông báo (nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên gặp trực tiếp phù hợp với từng tập thuê bao); chuẩn hoá (trực tiếp, trực tuyến).
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện công tác đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chuẩn hoá thông tin thuê bao, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung thanh tra diện rộng công tác quản lý thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông di động (đang triển khai từ tháng 4-6/2023), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nhất là với tập thuê bao đang sử dụng, sở hữu nhiều SIM /giấy tờ (>=10 SIM/giấy tờ)).
PV