- Bộ TT&TT vừa ban hành Quyết định số 866/QĐ-BTTTT về việc gia hạn thí điểm sử dụng đầu số 156 làm số dùng chung để tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đó, các nội dung quan trọng của văn bản ban hành được đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định tại Quyết định số 1988/QĐ-BTTTT ngày 31/10/2022 của Bộ trưởng Bộ TT&TT đến hết ngày 31/12/2023.
Để nâng cao hiệu quả các yêu cầu của văn bản, Bộ TT&TT giao nhiệm vụ cho Cục Viễn thông - Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, doanh nghiệp viễn thông và các đơn vị liên quan khai thác, sử dụng số 156 theo quy định tại Quyết định số 1988/QĐ-BTTTT.
Văn bản nêu, Cục Viễn thông có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá kết quả khai thác, sử dụng số 156 và đề xuất phương án triển khai tiếp theo sau khi hết thời gian thí điểm. Cùng với đó, các cá nhân, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp viễn thông cố định mặt đất, di động mặt đất và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nói thêm về việc nhằm để thực hiện hiệu quả yêu cầu của văn bản, khi cá nhân, người dùng, khách hàng nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo cần chủ động bình tĩnh, tráng hoang mang và thực hiện quyền phản ánh của mình tới đầu số 156 thông qua hai hình thức: gửi Tin nhắn hoặc gọi điện tới đầu số 156.
Cụ thể, cách gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156:
- Với tin nhắn rác: S (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656);
Với cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác: V (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656);
- Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo: LD (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).
Cách gọi tới đầu số 156 (các doanh nghiệp viễn thông sẽ áp dụng việc miễn phí cước cuộc gọi) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan;...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.
PV