“Cơ quan nhà nước, hiệp hội có vai trò quan trọng hỗ trợ DN bảo vệ bản quyền khi ra thị trường quốc tế”

0
0

- Vấn đề bảo vệ bản quyền trên nền tảng số đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng như các doanh nghiệp đang kinh doanh trên các nền tảng số toàn cầu. Luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng Ban Kiểm tra - Pháp chế của Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA) đã chia sẻ về những vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý khi bảo vệ bản quyền trên nền tảng số xuyên quốc gia và những đề xuất với cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt.

- Có thể thấy sáng tạo nội dung trên nền tảng số đang là một lĩnh vực kinh tế mang lại giá trị cao trong nền kinh tế số và trở thành ngành công nghiệp mới nổi. Tuy nhiên sự phát triển này cũng kéo theo hàng loạt vấn đề vi phạm bản quyền trên nền tảng số. Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ bản quyền nội dung trong bối cảnh số lượng nội dung được sản xuất và kinh doanh trên các nền tảng số ngày càng nhiều như hiện nay?

Luật sư Phạm Văn Anh: Theo những nghiên cứu thị trường trong những năm gần đây, quả thật sáng tạo nội dung trên nền tảng số đem lại rất nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế, nhưng để lĩnh vực này duy trì một cách lành mạnh và công bằng thì việc bảo vệ bản quyền một cách nghiêm ngặt là cực kỳ cần thiết. Trong quá trình tham gia bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp, tôi xác định có 3 vấn đề chính mà các đơn vị bảo vệ bản quyền gặp nhiều vướng mắc và khó khăn.

Đầu tiên, đó là việc phải xác định được nền tảng tồn tại vi phạm, bao gồm cả nền tảng trực tuyến và trực tiếp. Đối với nền tảng trực tiếp: Do những giới hạn về vị trí địa lý, lãnh thổ nên rất khó để xác định, khoanh vùng và tiếp cận các hành vi vi phạm.

Đối với nền tảng trực tuyến: Khó khăn hơn rất nhiều bởi không gian mạng rất rộng lớn và không có ranh giới rõ ràng. Hầu hết các chủ sở hữu bản quyền chỉ biết tới các nền tảng phổ biến như YouTube, Facebook, gần đây nhất là Tiktok. Có rất nhiều nền tảng online mà chủ sở hữu bản quyền chưa biết tới hoặc chưa được tiếp cận nên không thể triệt để trong việc bảo vệ bản quyền. Bên cạnh đó, các nền tảng online nội địa của các quốc gia cũng rất nhiều nên khó nắm bắt để liệt kê.

Luật sư Phạm Văn Anh
Luật sư Phạm Văn Anh - Trưởng Ban Kiểm tra - Pháp chế của Liên minh Sáng tạo Nội dung số Việt Nam (DCCA).

Vấn đề khó khăn thứ hai trong việc bảo vệ bản quyền số là xác định hành vi vi phạm.

Bên cạnh sự phát triển của các nền tảng trực tuyến thì nó cũng kéo theo sự hình thành của các hành vi vi phạm đa dạng hơn, vượt qua giới hạn của các hành vi truyền thống dẫn đến khó phân tích, đánh giá và kết luận về tính chất vi phạm.

Khả năng gây thiệt hại của các hành vi vi phạm cũng ngày càng lớn hơn, đặc biệt là trên các nền tảng online rất khó đo đếm.

Như đã nói ở trên, internet mở ra một không gian phi biên giới nên hành vi vi phạm có thể được thực hiện ở bất cứ đâu mà không bị giới hạn về mặt địa lý. Tuy nhiên, pháp luật ở mỗi quốc gia lại có những điểm khác nhau khiến việc căn cứ để xử lý cũng không giống nhau.

Vấn đề khó khăn cuối cùng chính là xác định chủ thể vi phạm. Trên nền tảng trực tuyến là môi trường mà các đối tượng dễ dàng mạo danh hoặc ẩn danh nên việc xác định chính xác chủ thể vi phạm và giải quyết triệt để nguồn vi phạm là rất khó khăn. Đặc biệt, hầu hết các nền tảng trực tuyến hiện nay chỉ có thể xử lý vi phạm bản quyền khi trực tiếp phát hiện, gây ra hạn chế trong khả năng xử lý vi phạm trên diện rộng.

- Khảo sát vi phạm bản quyền của Liên minh chống vi phạm bản quyền (CAP) châu Á cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ cao về vi phạm bản quyền qua streaming, mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin trực tuyến. Để đối phó với các hành vi vi phạm bản quyền như vậy, theo ông, các đơn vị sáng tạo nội dung cần phải có những phương án gì để bảo vệ sản phẩm thuộc quyền sở hữu của mình?

Các đơn vị quản lý bản quyền hay các cơ quan chức năng sau khi rà soát, phát hiện và xác định vi phạm sẽ có các biện pháp như sau:

Đầu tiên là cảnh báo hành vi vi phạm bằng email hoặc văn bản tới bên vi phạm.

Khi phát hiện sai phạm bản quyền, bên nắm bản quyền có thể đề nghị trao đổi, đàm phán để chuyển hóa hành vi vi phạm thành quan hệ hợp tác.

Trong trường hợp khác, bên nắm bản quyền cũng có quyền “đánh” bản quyền các hành vi vi phạm trên các nền tảng kinh doanh xuyên biên giới.

Đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng và không thể giải quyết bằng thỏa thuận giữa các bên, đơn vị nắm bản quyền có thể khởi kiện, khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền vào cuộc xử lý.

- Cuộc chiến bảo vệ bản quyền không chỉ là chuyện của riêng quốc gia nào khi nền tảng số đã biến thị trường trở thành không biên giới. Đứng trước tình hình này, ông có thể làm rõ việc bảo vệ bản quyền có vai trò như thế nào trong việc kích thích sáng tạo, phát triển kinh doanh nội dung số tại Việt Nam?

Đầu tiên, vai trò của việc bảo vệ bản quyền chính là bảo vệ công sức và chất xám của người sáng tạo, tạo niềm tin cho các nhà sáng tạo tự tin hơn cho hoạt động sáng tạo và kinh doanh tài sản trí tuệ khi các hoạt động này đã được bảo vệ bằng các biện pháp pháp lý phù hợp, hiệu quả.

Vai trò thứ hai của việc bảo vệ bản quyền chính là giúp loại bỏ các hành vi gây thiệt hại, đảm bảo cho doanh nghiệp thu về nhiều lợi ích hơn và kinh doanh hiệu quả hơn.

Hoạt động bảo vệ bản quyền mạnh mẽ cũng góp phần ngăn chặn các bên có ý định vi phạm, gián tiếp giảm thiểu các hành vi vi phạm, góp phần tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh.

- Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi tranh chấp bản quyền xuyên quốc gia. Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm bảo vệ bản quyền nội dung trên môi trường số?

Đương nhiên việc xảy ra tranh chấp là việc không ai mong muốn, đặc biệt lại còn là tranh chấp xuyên quốc gia. Tuy nhiên, bảo vệ bản quyền vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng và chúng ta phải sẵn sàng đối diện với bất cứ trường hợp nào xảy ra. Với kinh nghiệm đã từng tham gia giải quyết tranh chấp bản quyền trên thị trường quốc tế, tôi có một số lưu ý đối với các bên sở hữu bản quyền như sau:

Đầu tiên, để có thể giải quyết được thì mình cần phải nắm rõ thông tin và nội dung tranh chấp. Cần lắng nghe ý kiến đánh giá và tư vấn của các chuyên gia pháp lý, chuyên gia trong lĩnh vực liên quan đến nội dung tranh chấp để xem xét và tư vấn phương án xử lý vụ việc.

Sau khi đã nắm rõ vấn đề tranh chấp, mình bắt đầu phân tích để xác định được ưu thế và bất lợi của mình trong quan hệ tranh chấp, từ đó xác định phương án xử lý như tranh chấp tại tòa hay nên thương lượng, đàm phán.

Trong quá trình xảy ra tranh chấp, cần bám sát và tuân thủ quy định pháp luật của mỗi quốc gia và có sự hỗ trợ của luật sư bản địa.

Tuyệt đối không được vì thấy khó, thấy phức tạp mà không giải quyết triệt để, bởi làm vậy là chủ thể đang từ bỏ chính quyền lợi của mình và sẽ phải nhận những phán quyết vô cùng bất lợi từ tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền.

- Không thiếu những đối thủ mạnh đang lợi dụng chính sách của các nền tảng xuyên biên giới để cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp Việt Nam, theo ông, cơ quan nhà nước nên làm gì để đảm bảo những giá trị pháp lý của các quy định tại Việt Nam có giá trị như trên toàn cầu, và áp dụng cho tất cả các chủ thể nước ngoài?

Ở góc độ doanh nghiệp thì luôn có  mong muốn nhận được sự ủng hộ của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ bản quyền khi ra thị trường quốc tế. Cơ quan nhà nước, các hiệp hội có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ, bảo vệ các doanh nghiệp Việt. Sự ủng hộ bằng cách lên tiếng khẳng định, bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời các doanh nghiệp mong muốn cơ quan nhà nước lên tiếng yêu cầu các bên vi phạm chấm dứt các hành vi có dấu hiệu vi phạm hoặc kiềm chế không thực hiện các biện pháp gây thiệt hại cho đối phương. Và yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới đối xử công bằng, xem xét cẩn thận các căn cứ pháp lý của các bên trong giải quyết tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.

Về lâu dài, cơ quan nhà nước cần điều chỉnh và kiện toàn đồng bộ hệ thống pháp luật để có thể có một hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ và có giá trị áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài cũng như có thể ứng dụng được các quy định quốc tế vào giải quyết tranh chấp.

Đỗ Quyên (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.