- Một số hình thức lừa đảo phổ biến trong thời gian gần đây dù đều là các thủ đoạn không mới, đã được đơn vị, doanh nghiệp cũng như truyền thông liên tục cảnh báo trong thời gian qua…
Tuy nhiên, các đối tượng thường xuyên thay đổi chiêu thức tiếp cận khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo. Các ngân hàng cho biết vẫn đang tích cực phối hợp với các Cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi giả mạo, hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại về tài chính cho khách hàng.
Dưới đây là 6 hình thức lừa đảo khi khách hàng thực hiện các giao dịch trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, viễn thông… mà người dùng cần cảnh giác, tránh bị lừa đảo, mất tiền oan.
. Mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ giải ngân, trả góp, rút tiền mặt, nâng hạn mức thẻ tín dụng
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản giả mạo trên các mạng xã hội có sử dụng logo, hình ảnh phòng giao dịch, nhân viên ngân hàng… sau đó liên hệ với khách hàng để giới thiệu các gói vay vốn hấp dẫn hoặc cung cấp dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng/ hỗ trợ nâng hạn mức thẻ tín dụng:
Đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân (Số thẻ CCCD/CMND/sổ hộ khẩu) để hỗ trợ vay vốn. Sau đó các đối tượng này cung cấp văn bản giả mạo có chữ ký lãnh đạo Ngân hàng để chứng minh khoản vay của khách hàng không được phê duyệt/ khách hàng không thỏa điều kiện để nhận ưu đãi và yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản phí. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng lừa đảo tiếp cận, chào mời hỗ trợ khách hàng trả góp qua thẻ tín dụng, rút tiền mặt từ thẻ tín dụng/ nâng hạn mức thẻ tín dụng… sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin thẻ, cũng như mã OTP để hoàn tất thủ tục. Nếu khách hàng cung cấp thông tin này, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt tiền qua các giao dịch thanh toán mua sắm online, ví điện tử…
2. Tin nhắn giả thương hiệu ngân hàng (SMS Brandname)
Đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn SMS giả mạo thương hiệu ngân hàng thông báo giao dịch bất thường, thông báo trúng thưởng, nhận quà, hoặc cảnh báo tài khoản ngân hàng của khách hàng đang gặp sự cố rủi ro trong đó có chứa các đường link giả mạo.
Đường link này dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập và mật khẩu cùng mã OTP nhằm chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.
3. Lừa đảo chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại (Esim/ Cướp sim)
Đối tượng lừa đảo tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, liên hệ với khách hàng qua điện thoại, tin nhắn và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí. Nếu khách hàng đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn khách hàng nhắn tin theo cú pháp để chuyển đổi. Khách hàng khi thực hiện theo sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.
Sau khi chiếm được SIM điện thoại, đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập và sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử có liên kết với tài khoản/thẻ ngân hàng của khách hàng để chiếm đoạt tiền.
4. Lừa đảo tuyển cộng tác viên online với hoa hồng cao, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử
Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên các công ty, sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên (CTV) đặt đơn hàng ảo, công việc yêu cầu đặt mua các đơn hàng ảo nhưng chuyển khoản thanh toán thật, sau đó sẽ được nhận lại tiền gốc cộng hoa hồng (từ 10% đến 20%). Các đơn hàng đầu tiên thường trị giá nhỏ từ 1 đến 2 triệu đồng. CTV sau khi chuyển khoản đều được đối tượng báo nhiệm vụ thành công và chuyển trả đầy đủ tiền gốc, cộng thêm hoa hồng như cam kết để lấy lòng tin.
Tiếp đó, đối tượng sẽ gửi nhiệm vụ lớn hơn có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, lần này phía công ty không gửi lại tiền hàng và tiền hoa hồng ngay mà lấy lý do bảo trì hệ thống/ lý do khác để yêu cầu CTV tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo, hứa hẹn xong sẽ nhận tiền gốc và hoa hồng hoặc ngay lập tức chặn toàn bộ liên lạc với CTV thì lúc đấy nạn nhận mới nhận ra mình đã bị lừa đảo.
5. Sử dụng tài khoản mạng xã hội, mạo danh người thân nhắn tin vay mượn tiền, nhận tiền từ nước ngoài.
Đối tượng lừa đảo lập tài khoản giả mạo hoặc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội của khách hàng. Tiếp đó, đối tượng sẽ nhắn tin với người thân quen trong danh sách bạn bè của khách hàng để nhờ thanh toán tiền, mua thẻ cào điện thoại, chuyển khoản vào một số tài khoản ngân hàng mà các đối tượng đã chuẩn bị sẵn từ trước để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Một thủ đoạn lừa đảo khác là đối tượng có thể mạo danh người thân nhắn tin cho khách hàng báo có khoản tiền nước ngoài mới chuyển về, yêu cầu khách hàng vào đường link giả mạo, đăng nhập Internet Banking để nhận tiền. Sau khi khách hàng click vào đường link, nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP xác thực, đối tượng sẽ chiếm quyền kiểm soát dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng và thực hiện lệnh chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác.
6. Lừa đảo giả danh công an, viện kiểm soát, tòa án thông báo về việc vi phạm pháp luật
Các đối tượng giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện qua giao thức Internet (VoIP) để hăm dọa bị hại có liên quan đến các vụ án đang điều tra, yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản do các đối tượng chỉ định hoặc yêu cầu cung cấp mã OTP xác thực chuyển tiền, sau đó chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Để làm việc với người dân, cơ quan tư pháp sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
PV