- Hãy tưởng tượng dữ liệu cá nhân (DLCN) giống như tiền của bạn. Bạn có 1 triệu đồng dùng để đầu tư, với tỉ suất lãi 10%/năm, nghĩa là sau 01 năm bạn có 1,1 triệu đồng. Tương tự, giá trị DLCN của bạn sẽ tăng lên nếu được xử lý và ứng dụng liên tục vào hoạt động kinh tế hàng ngày. Bạn có quyền hưởng thụ lợi ích kinh tế từ xử lý DLCN.
Hưởng thụ lợi ích kinh tế chính đáng từ xử lý DLCN
Với sự phát triển của công nghệ, DLCN đã trở thành một loại tư liệu sản xuất mới góp phần phát huy tối đa lợi ích của chủ nghĩa tiêu dùng để đem lại tăng trưởng kinh tế. Càng nhiều DLCN được thu thập và xử lý, các công ty cung cấp sản phẩm, dịch vụ càng thấu hiểu và dự đoán chính xác hơn nhu cầu, hành vi của người tiêu dùng để giúp họ có trải nghiệm tốt hơn từ việc mua được sản phẩm, dịch vụ phù hợp với mình.
Cách thức kinh doanh dựa trên dữ liệu (data driven business model) này xuất hiện ngày càng phổ biến trong đời sống con người, với những thương hiệu quen thuộc như Google (dịch vụ tìm kiếm, dịch vụ quảng cáo), VNpay (dịch vụ trung gian thanh toán), Zalo (dịch vụ mạng xã hội), Shopee (dịch vụ thương mại điện tử), Youtube (dịch vụ chia sẻ video trực tuyến)...
Một điểm quan trọng nữa đi liền với xử lý DLCN là chia sẻ DLCN giữa các bên với nhau để gia tăng khả năng thụ hưởng lợi ích kinh tế. Chẳng hạn, người dùng sử dụng Google để tìm kiếm sản phẩm trà thanh lọc cơ thể. Với hệ thống gợi ý, Google sẽ đề xuất các lựa chọn phù hợp nhất. Sau đó, khi người dùng sử dụng Facebook có thể bắt gặp các quảng cáo về trà thanh lọc cơ thể có hiển thị đường liên kết (link) đến người bán ở Shopee, Tiki, Lazada, Amazon, eBay,... để người dùng dễ dàng mua được sản phẩm ưng ý nhất.
Ảnh minh họa |
Rủi ro từ xử lý DLCN
Tương tự như sử dụng tiền để đầu tư, bên cạnh khả năng thụ hưởng lợi ích kinh tế, luôn luôn có những rủi ro. Rủi ro của mỗi cá nhân có thể dẫn đến rủi ro cho nền kinh tế và xã hội.
Kích thích tiêu dùng quá mức dẫn đến nguy cơ gia tăng hàng hóa dư thừa và nợ cá nhân, nợ hộ gia đình: Khi nhu cầu mua sắm luôn được thúc đẩy nhờ sự tiến bộ của hệ thống gợi ý ra quyết định, người dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn, thậm chí vay để đáp ứng nhu cầu của mình. Cùng với sự ra đời của dịch vụ cho vay ngang hàng, vay tín dụng với điều kiện dễ dàng hơn, hình thức mua trả chậm, trả dần đang kích thích người dùng mua sắm nhiều hơn, đôi khi vượt quá khả năng chi tiêu của họ.
Sự bất bình đẳng trong hưởng thụ giữa các nhóm trong xã hội.
Bất bình đẳng về thông tin giữa các công ty kiểm soát, xử lý DLCN với người dùng: Trong khi các công ty có lợi thế trong việc thấu hiểu, dự đoán hành vi tiêu dùng của người dùng để đưa ra các quyết định kinh doanh hiệu quả và thu lợi nhuận từ đó, người dùng lại không có khả năng hiểu hết các DLCN do mình tạo ra được thu thập, xử lý như thế nào và hành vi mua sắm của mình được tác động ra sao.
Người dùng ngày càng chi tiêu nhiều hơn nhưng không nhận thức đầy đủ về những yếu tố tác động đến hành vi của mình. Nói cách khác, người dùng rơi vào trạng thái không tự do để ra quyết định.
Bất bình đẳng về cơ hội phát triển: Chủ thể kinh doanh tại khu vực thành thị với sự phát triển của công nghệ, cơ sở hạ tầng, giao lưu văn hóa - thông tin, có nhiều cơ hội tận dụng mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu để phát triển hoạt động kinh doanh của mình, còn người dùng ở khu vực thành thị có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tốt hơn.
Trong khi đó, chủ thể kinh doanh tại khu vực nông thôn, vùng núi có ít cơ hội để tận dụng mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu do thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, thông tin, kĩ năng công nghệ cần thiết; còn người dùng ở khu vực nông thôn, vùng núi có ít cơ hội trải nghiệm các dịch vụ tốt nhờ sự phát triển của công nghệ.
Xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân: Quá trình thu thập, xử lý DLCN đòi hỏi các công ty phải theo dõi người dùng nhiều nhất có thể, bởi DLCN thu được càng nhiều thì kết quả xử lý DLCN sẽ càng chính xác, giúp quyết định kinh doanh được đưa ra càng đúng đắn hơn.
Chính việc theo dõi người dùng không có giới hạn cùng với sự bất bình đẳng về mặt thông tin đã xâm phạm vào khả năng kiểm soát đời sống cá nhân của người dùng. Nói cách khác, các công ty có khả năng kiểm soát đời sống riêng tư của người dùng trong khi người dùng không biết, không cho phép.
Phạm Lê