- Sinh năm 1993, Phạm Ngọc Tân (Tân Phạm) được biết tới là con trai của chủ thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư, một thương hiệu sở hữu món phở truyền thống ở Hà Nội và được rất nhiều người ưa thích. Tốt nghiệp ngành marketing tại trường Đại học RMIT, nhưng thay vì kế nghiệp gia đình, Tân Phạm lại theo đuổi đam mê sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện tại, Tân Phạm đang làm chủ của các kênh Youtube và Tiktok khá nổi trong giới trẻ là "Tân Một Cú" và "Đường 2 chiều".
Trở về công ty làm việc sau buổi sáng phụ giúp công việc bán phở của bố mẹ tại các cơ sở của Phở 10 Lý Quốc Sư, Tân Phạm say sưa kể về hành trình theo đuổi đam mê tuổi trẻ, cùng những kế hoạch cho việc tiếp nhận lại hoạt động kinh doanh của gia đình trong tương lai không xa.
- Xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, tốt nghiệp ngành marketing tại trường Đại học RMIT, tuy nhiên, thay vì kế nghiệp gia đình, Tân lại chọn theo đuổi đam mê với ngành sáng tạo nội dung. Đâu là lý do dẫn đến quyết định này?
Tân Phạm: Lý do đầu tiên tôi bước ra ngoài để xây dựng sự nghiệp riêng đơn giản chỉ là vì tôi không muốn phải dựa dẫm vào gia đình mình quá nhiều. Từ trước đến nay, phần lớn những người gặp tôi hay thậm chí là bạn bè của tôi cũng từng nói rằng tôi có học hành hay không thì sau này cũng sẽ về bán phở. Đó là lý do tôi lựa chọn theo đuổi đam mê của mình là ngành sáng tạo nội dung và ít nhiều đến nay, tôi cũng đã có được sự thành công nhất định.
Phạm Ngọc Tân được biết tới là con trai của chủ thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư, nhưng lại rẽ hướng sang làm sáng tạo nội dung. (Ảnh: Minh Sơn - VietnamPlus) |
Với công việc kinh doanh của gia đình, đến nay tôi vẫn tham gia và nhận thấy nó vẫn đang rất ổn định. Xét trong bối cảnh kinh tế suy thoái hiện nay, tôi chỉ nghĩ tại sao mình lại phải bỏ đi một nguồn thu đáng kể từ đam mê của mình khi công việc kinh doanh đang được bố mẹ điều hành tốt.
Mặc dù ngày xưa tôi nghĩ rằng không muốn mọi người biết đến mình chỉ vì mình là "thiếu gia" nhà Phở 10 Lý Quốc Sư, nhưng hiện tại thì việc mọi người xem mình là ai cũng với tôi cũng không còn nhiều ý nghĩa nữa. Sau thời gian đi làm, tôi tự hỏi tại sao mình phải chối bỏ những thứ thuộc về mình và hoàn toàn không có gì sai trái cả. Rõ ràng, bố mẹ mình đã cố gắng ngần ấy thời gian chỉ để cho mình một tương lai tốt đẹp hơn, tại sao mình lại phải chối bỏ? Do vậy, mọi người có thể gọi tôi là nhà sáng tạo nội dung cũng được, hay gọi tôi là con nhà Phở 10 Lý Quốc Sư cũng chẳng sao.
- Lí do gì bạn lại gia nhập Schannel để phát triển sự nghiệp?
Mình gia nhập Schannel từ 2015 phụ trách đánh giá các sản phẩm công nghệ, đến năm 2019 chuyển sang mở kênh đánh giá về xe cộ.
Mình ban đầu vào Schannel với mục đích làm thêm. Đợt ấy anh Lạc Huy phụ trách Schannel cần tuyển một reviewer. Trùng hợp thời điểm ấy mình cùng một bạn khác làm 1 clip hài hước trước khi tốt nghiệp và cũng rất hợp ý anh Huy. Lẽ ra ban đầu người được chọn là bạn kia, tuy nhiên vì bạn đó từ chối, cuối cùng mình lại là người gia nhập Schannel và gắn bó đến bây giờ (cười).
- Giai đoạn chuyển từ công nghệ, giải trí sang làm review về xe có gặp khó khăn gì không?
Sau khi đạt được một số thành công nhất định với kênh cá nhân, năm 2019 mình bắt đầu lập kênh "Đường 2 chiều." Từ làm reviewer công nghệ sang giải trí không gặp nhiều khó khăn lắm vì bản thân mình thích làm giải trí. Nhưng giai đoạn khó khăn nhất là khi làm review (đánh giá) xe. Mặc dù có kinh nghiệm làm sản xuất, sáng tạo nội dung rồi nhưng khi sang làm review xe lại khác hoàn toàn.
Mình không tính toán được những khó khăn gặp phải như mượn xe, test xe, thời gian trải nghiệm sản phẩm lâu hơn rất nhiều so với trải nghiệm sản phẩm công nghệ. Mình mất một năm đầu tiên để quen với công việc mới. Rồi khi bước sang ngành xe là một tệp khán giả mới, người ta không biết mình là ai. Mình cũng phải xây dựng hình ảnh nghiêm túc hơn và nghiên cứu nhiều kiến thức chuyên sâu hơn để chia sẻ.
Cùng với đó, thời điểm xây kênh đúng thời điểm dịch mà review xe là phải ra đường quay. Vấn đề nữa là về sức khỏe, vì khi quay phải đứng ngoài trời rất lâu và quay trong mấy tiếng đồng hồ. Hơn nữa mình đã phải bỏ toàn bộ kênh cá nhân của mình và các dự án cá nhân để tập trung phát triển kênh Đường 2 chiều.
Ban đầu mình muốn làm thử, muốn nhảy vào một lĩnh vực hoàn toàn khác để xem sức lan tỏa của mình đến đâu. Về sau càng làm mình lại càng yêu thích nó. Xe như là một thế giới mới khiến cho mình phải tìm tòi học hỏi khám phá. Hơn nữa, mình muốn mang đến review xe một "màu sắc mới," một cách tiếp cận mới để cho những khán giả trẻ, có thể là những thế hệ tiếp theo sẽ mua xe.
- Chuyển sang làm kênh xe như vậy Tân có sợ mất những khán giả cũ vốn đã rất yêu thích phong cách, hình ảnh của bạn hay không? Tân có sợ khán giả quên mình không?
Mình nghĩ đây là điều mà bất cứ người sáng tạo nội dung nào cũng sợ phải đối mặt. Tuy nhiên hiện tại mình vẫn giữ được một lượng khán giả tương đối trung thành. Giai đoạn chuyển từ công nghệ, giải trí sang làm review xe mất khoảng 3 năm, những người yêu thích mình họ cũng lớn lên rồi và họ sẽ có những mối quan tâm khác như về xe chẳng hạn.
-"Đường 2 chiều" có gì để thu hút độc giả?
Theo mình đó là cách tiếp cận với một chiếc xe. Mỗi thế hệ sẽ nhìn cái xe ôtô theo một khác nhau. Ví dụ thế hệ bố mẹ mình sẽ nhìn nó như một tài sản, họ sẽ quan tâm là giá tiền bao nhiêu, với giá tiền này tôi nhận được những gì. Và quan niệm đi xe phải êm, phải sang, phải xịn. Đến thời điểm của bọn mình lại nhìn theo một kiểu khác, có thể là bền bỉ hoặc lái hay. Nói về một chiếc xe sẽ không nói quá chi tiết về các trang bị đi kèm hay phụ kiện mà sẽ thuần về trải nghiệm chiếc xe ấy như thế nào.
Hơn nữa, những thông tin mình đưa đến cho khán giả có thể đến từ những nguồn thông tin khá sâu ở nước ngoài…
Tựu chung lại, với mình, dù kinh doanh hay sáng tạo nội dung thì đều cần phải cung cấp những sản phẩm nổi bật hơn so với các đối thủ khác, đó mới là cách tạo nên sự khác biệt và riêng biệt của mình.
- Xuất thân từ gia đình kinh doanh nhưng bản thân lại hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung, theo bạn thì 2 lĩnh lực này có khác nhau quá nhiều không?
Theo mình thì việc kinh doanh và sáng tạo nội dung có điểm chung là phải tạo ra một thứ mà nhiều người thích nhất có thể.
Một bát phở do mình nấu ra có thể sẽ không có vị mà mình thích nhất, nhưng nó phải có vị để nhiều người ưng ý nhất. Việc sáng tạo nội dung cũng vậy, có thể những nội dung mình làm ra không phải là nội dung mà mình ưng ý nhất, nhưng nó phải là nội dung mà được nhiều người quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu nhất.
Dù vậy, mình đánh giá công việc kinh doanh cần sự logic, cần có sự tính toán, cần phải có chiến lược,... và đây là những điều mà mình sẽ cần phải học hỏi và tích lũy thêm rất nhiều. Với sáng tạo nội dung thì cần phải có chút thời sự, phải có một chút nghệ sỹ để có thể thu hút được người xem hơn.
PV