Chiếc Boeing 747 cuối cùng sắp được bàn giao cho Atlas Air

0
0

- Ngày 20 tháng 1 năm 2022, Boeing và Atlas Air Worldwide công bố đơn hàng bốn chiếc máy bay 747-8 Freighter, đánh dấu sự hoàn tất và khép lại dây chuyền sản xuất 747. Chiếc máy bay Boeing 747 thứ 1.574 và cũng là chiếc cuối cùng được dự kiến bàn giao đầu năm 2023.

Máy bay 747 là thành quả, công sức của 50.000 người lao động tại Boeing. Được mệnh danh là “Những người phi thường”, tập thể các công nhân xây dựng, thợ máy, kỹ sư, thư ký và nhà quản lý này đã làm nên lịch sử vào cuối thập niên 1960 khi chế tạo thành công máy bay 747 - dòng máy bay dân dụng lớn nhất thế giới - trong vòng chưa đến 16 tháng tại thành phố Everett, tiểu bang Washington.

Động cơ thúc đẩy việc chế tạo máy bay 747 đến từ nhu cầu giảm giá vé máy bay, sự tăng vọt trong lưu lượng hành khách và bầu trời ngày càng đông đúc. Thất bại khi chào thầu dòng máy bay vận tải quân sự cỡ siêu lớn C-5A, Boeing quyết định phát triển một dòng máy bay thương mại tiên tiến cỡ lớn nhằm tận dụng công nghệ động cơ turbine phản lực cánh quạt có tỉ lệ đường vòng cao (high-bypass) vốn được phát triển cho C-5A. Triết lý thiết kế của 747 là phát triển một máy bay hoàn toàn mới, và các nhà thiết kế chủ trương không sử dụng bất kỳ phần cứng nào khác đã phát triển cho dòng C-5, ngoại trừ động cơ.

Thiết kế sau cùng của 747 gồm ba cấu hình: máy bay chở khách, máy bay chở hàng, và một mẫu máy bay có thể chuyển đổi giữa chở khách và chở hàng. Các mẫu máy bay chở hàng và máy bay hoán chuyển có thể nạp container hàng hoá cỡ 2,4m x 2,4m qua cửa lớn ở mũi máy bay.

Phi công tập lái máy bay 747 tại trường huấn luyện của Boeing. Họ học hỏi kinh nghiệm điều khiển máy bay lăn bánh thông qua một thiết bị thay thế có tên là “Waddell’s Wagon”, đặt theo tên của Jack Waddell, phi công thử nghiệm trưởng của Boeing. Theo đó, phi công sẽ ngồi trong một mô hình buồng lái 747 trên nóc khung sàn cao ba tầng gắn trên một chiếc xe tải đang di chuyển. Phi công học cách vận động trên cao bằng cách hướng dẫn cho tài xế xe tải qua máy liên lạc vô tuyến.

Máy bay 747
Máy bay 747

Có hai chiếc máy bay 747-100 được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) hoán cải thành tàu con thoi. Phiên bản kế tiếp là 747-200 có sức chứa khoảng 440 hành khách và tầm bay 10.371km. Năm 1990, có hai chiếc 747-200B được hoán cải để làm chuyên cơ Không lực Một, thay thế các máy bay VC-137 (707) đã phục vụ Tổng thống Hoa Kỳ trong gần 30 năm. Phiên bản 747-300 có phần boong trên được mở rộng, cho phép chuyên chở nhiều hành khách hơn cả chiếc 747-200.

Phiên bản 747-400 trình làng năm 1988, có sải cánh dài 64m và cánh gió cao 1,8m ở đầu mút cánh. Chiếc 747-400 cũng được sản xuất làm máy bay chở hàng, kết hợp giữa chở hành khách và hàng hoá, và thêm một phiên bản nội địa đặc biệt không có cánh gió để khai thác trên những chặng bay ngắn.

Tháng 8 năm 1999, một chiếc 747-400 Freighter được quân sự hoá để bắt đầu công tác lắp ráp trọng điểm phục vụ chương trình vũ khí laser đường không (ABL) của Không lực Hoa Kỳ. Máy bay lăn bánh ngày 27 tháng 10 năm 2006, được đặt mã hiệu YAL-1. Boeing là nhà thầu chính của chương trình ABL nhằm trang bị vũ khí đạt vận tốc ánh sáng có thể tiêu diệt tên lửa đạn đạo mọi cấp độ đang trong pha đẩy. Hãng Boeing cung cấp máy bay đã được hoán cải và hệ thống quản lý tác chiến, đồng thời cũng là nhà tích hợp hệ thống tổng thể. Các đối tác ABL khác gồm có hãng Northrop Grumman cung cấp laser hóa học oxy-iod (COIL) năng lượng cao, và hãng Lockheed Martin cung cấp tháp pháo gắn ở mũi máy bay để bổ sung cho hệ thống điều khiển và tác xạ tia laser. Ngày 11 tháng 2 năm 2020, máy bay thử nghiệm đã tiêu diệt thành công một tên lửa đạn đạo ngoài khơi khu vực Nam California. Năm 2011, chương trình ABL bị huỷ bỏ, và đến 2012 thì máy bay YAL-1 được đưa đến nghĩa địa máy bay “bone yard” gần thị trấn Pima, tiểu bang Arizona để phá huỷ.

Một biến thể khác của 747 là Dreamlifter - máy bay 747-400 được hoán cải đặc thù – có nhiệm vụ vận chuyển các linh kiện composite cỡ lớn gồm cả các phân đoạn thân máy bay 787 Dreamliner khổng lồ, từ những đối tác trên khắp thế giới đến thành phố Everett, tiểu bang Washington và thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina để lắp ráp hoàn thiện. Các kiện hàng cỡ lớn được xếp và dỡ qua cửa bản lề ở phần thân sau máy bay. Chiếc máy bay thứ tư và cũng là cuối cùng trong loạt này được bàn giao ngày 16 tháng 2 năm 2010.

 

Cuối năm 2000, hãng Boeing ra mắt dòng máy bay 747-400 tầm bay xa, được đặt mã hiệu 747-400ER. Gia đình 747-400ER (Extended Range) có cả phiên bản máy bay chở khách và chở hàng, tuy cùng kích cỡ với 747-400 hiện hành nhưng lại có tầm bay lên đến 14.205km so với 13.450km của 747-400. 747-400ER kết hợp cánh máy bay được gia cố Freighterwing của dòng -400, thân máy bay và càng đáp cũng được gia cố, bổ sung bình nhiên liệu dự phòng trong khoang hàng hoá phía trước, cộng thêm tuỳ chọn cho bình nhiên liệu thứ hai. Trong trường hợp không khai thác hết tầm bay xa của 747-400ER, nhà khai thác có thể tháo dỡ (các) bình nhiên liệu dự phòng để có thêm không gian xếp hàng.

Tháng 11 năm 2005, Boeing trình làng dòng máy bay 747-8, gồm có máy bay chở khách liên lục địa 747-8 Intercontinental và máy bay chở hàng 747-8 Freighter, đều được kết hợp công nghệ tiên tiến từ 787 Dreamliner. Trên thực tế, chiếc 747-8 trình diễn đã được lựa chọn để minh chứng mối liên kết công nghệ giữa 787 Dreamliner và 747-8, trong đó có động cơ General Electric GEnx-2B, đầu mút cánh nghiêng về sau (raked wingtip) và các cải tiến khác giúp giảm 30% độ ồn và 15% khí thải carbon khi vận hành, duy trì hiệu năng tốt hơn, trọng lượng nhẹ hơn, tiêu thụ nhiên liệu ít hơn, sử dụng ít cấu kiện hơn và giảm bớt yêu cầu bảo trì.

Chiếc 747-8 Freighter cất cánh lần đầu ngày 8 tháng 2 năm 2010. Máy bay có chiều dài 76,3m, dài hơn 5,6m so với máy bay 747-400 Freighter. Nhờ vậy, khách hàng có thể chuyên chở thêm 16% lượng hàng hoá so với phiên bản tiền nhiệm, cụ thể là có thể xếp thêm 4 pallet hàng hoá ở boong chính và 3 pallet boong dưới.

Phiên bản máy bay chở khách Boeing 747-8 Intercontinental có thể chuyên chở từ 400 đến 500 hành khách, cất cánh lần đầu ngày 20 tháng 3 năm 2011. Máy bay có trần khoang hành khách được chạm trổ tinh xảo, khoang để hành lý phía trên và bên hông lớn hơn, cầu thang được thiết kế lại và đèn LED động, đem đến trải nghiệm thoải mái hơn cho hành khách. Boeing bàn giao chiếc máy bay 747-8 Intercontinental đầu tiên, có sức chứa thêm 51 chỗ ngồi và 26% lượng hành lý so với 747-400, cho một khách hàng không nêu tên khai thác dòng máy bay Boeing Business Jet vào ngày 28 tháng 2 năm 2012. Hãng hàng không Đức Lufthansa nhận bàn giao chiếc Intercontinental đầu tiên vào ngày 25 tháng 4 năm 2012.

Ngày 28 tháng 6 năm 2014, Boeing bàn giao chiếc máy bay 747 thứ 1.500 được hoàn thiện từ dây chuyền sản xuất cho hãng hàng không Lufthansa có trụ sở tại Frankfurt, Đức. 747 là máy bay thân rộng đầu tiên trong lịch sử chạm mức 1.500. Ngày 9 tháng 2 năm 2019, Boeing kỷ niệm 50 năm chuyến bay đầu tiên của 747.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Chuẩn bị đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC

(VnMedia) - Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có thông báo đấu thầu vàng miếng gửi các tổ chức tín dụng doanh nghiệp tham gia đấu thầu vàng. 

Hà Nội: Cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID từ ngày 22/4/2024

(VnMedia) - Theo Sở Tư pháp Hà Nội, từ ngày 22/4/2024, công dân Việt Nam có tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có thể thực hiện yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID...

Bị lừa gần 3 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang Thương mại điện tử

(VnMedia) - Mới đây, anh N (trú tại Hà Nội) đã bị chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng khi tham gia đầu tư cho website giả mạo trang Thương mại điện tử Carousel có đường link www.carousell888.com...

Trực tiếp Bán kết FA Cup: Đại chiến Man City - Chelsea trên MyTV

(VnMedia) - Chính thức bị loại khỏi Champions League, Man City sẽ phải tập trung vào cuộc so tài rất được chờ đợi trước Chelsea tại Bán kết cúp FA. Trận cầu hấp dẫn giữa 2 đối thủ nhiều duyên nợ  sẽ được truyền hình MyTV trực tiếp gửi tới khán giả cuối tuần này.

Những gói cước 4G VinaPhone trả trước hấp dẫn không nên bỏ lỡ

(VnMedia) - Với gói cước 4G của VinaPhone, bạn sẽ thỏa sức lướt web, gọi điện nội mạng và ngoại mạng mà không lo về giá cả. Đặc biệt, chi phí rất hợp lý và phù hợp với mọi đối tượng.