Nhiều quốc gia “siết chặt” kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội

0
0

Trung Quốc và các quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu đều đã thể hiện quan điểm quyết liệt ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng nói chung và các nền tảng mạng xã hội nói riêng. Từ việc sửa đổi, ban hành luật, quy định mới, tăng cường các biện pháp kiểm soát đến việc tuyên truyền, vận động người dân “nói không” với các nội dung độc hại trên nền tảng trực tuyến.

 

Khối EU đã ban hành Luật Kiểm soát hoạt động trên mạng xã hội, yêu cầu các nước thành viên nội luật hoá.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát mạng xã hội

Theo quy định mới của Trung Quốc về sửa đổi Luật Quản lý Dịch vụ Bình luận trên Internet năm 2017, các nền tảng truyền thông trên không gian mạng, bao gồm các mạng xã hội, đều phải phê duyệt tất cả các bình luận liên quan đến tin tức trước khi được đăng tải. Bên cạnh đó, các tổ chức, doanh nghiệp mạng đều phải tăng cường đào tạo cho các nhân viên kiểm duyệt để loại bỏ nội dung độc hại. Quy định mới có hiệu lực từ ngày 15/12/2022.

Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc cho biết, mục đích của luật sửa đổi là để điều chỉnh các bài đăng và bình luận trực tuyến, duy trì lợi ích công cộng và an ninh quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân. So với phiên bản 2017, luật mới tập trung nhiều hơn vào việc làm rõ trách nhiệm của các nhà cung cấp và khai thác dịch vụ Internet, đồng thời chỉ đạo các nền tảng trực tuyến thuê các nhóm kiểm duyệt nội dung để xem xét tất cả các bình luận và lọc ra những bình luận có hại. Ngoài ra, luật mới cũng nêu rõ hình phạt liên quan đến vi phạm: các nhà khai thác không tuân thủ quy định sẽ bị cảnh cáo, phạt tiền và đình chỉ các tính năng bình luận hoặc thậm chí là khoá toàn bộ dịch vụ.

Các nhà điều hành nền tảng truyền thông xã hội ở Trung Quốc, chẳng hạn như Weibo và WeChat, vẫn chưa phản hồi công khai về các quy định mới. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong “ngành công nghiệp không khói” này đã có các thuật toán lọc từ khóa để kiểm duyệt thông tin nhạy cảm và cũng tuyển dụng người điều hành mới hàng năm. Về phía người dùng, bên cạnh một số ý kiến phản đối, phần đông các phản hồi bày tỏ sự ủng hộ đối với các quy định mới.

Động thái nêu trên cho thấy quyết tâm cao độ của Chính phủ Trung Quốc trong việc thắt chặt kiểm soát đối với Internet, đặc biệt tránh lan truyền thông tin thất thiệt, sai sự thật, để lại hậu quả khôn lường.

Vào năm 2017, Trung Quốc đã ra mắt hệ thống đăng ký tên thật cho mạng xã hội, yêu cầu người dùng Weibo và dịch vụ nhắn tin tức thời WeChat xác thực tài khoản của họ bằng ID quốc gia, số điện thoại di động và thông tin cá nhân khác. Các cơ quan chức năng quản lý và kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc tuân thủ các quy định này. Đầu năm nay, một số dịch vụ xã hội của Trung Quốc, bao gồm Weibo, Zhihu và Douyin, bắt đầu hiển thị vị trí của người dùng dựa trên địa chỉ giao thức Internet – một tính năng mà người dùng không thể tắt.

Theo tờ South China Morning Post, các quy định mới được ban hành trong bối cảnh chính sách “Không COVID-19” của Trung Quốc thời gian qua đã bị nhiều đối tượng lợi dụng để lan toả tin đồn thất thiệt, đả kích, gây hoang mang dư luận. Trong quá trình cách ly, xét nghiệm hàng loạt và kiểm soát biên giới đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân tại các địa phương, nhiều người đã chuyển sang các hình thức livestream, đăng tải, bình luận trên mạng xã hội để “trút giận”, đưa ra nhiều thông tin gây hoang mang, kích động dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Nhiều đối tượng lan truyền tin đồn “ác ý” đã bị các cơ quan chức năng tại địa phương xử phạt, thậm chí có trường hợp bị giam giữ vì tội “lan truyền tin đồn sai sự thật” hoặc “gây rối trật tự xã hội”.

Điều đó cho thấy, việc “thả nổi” đăng tải các thông tin trên mạng ảo, đặc biệt trên những nền tảng mạng xã hội có tương tác cao, có thể để lại hậu quả khôn lường trên thế giới thật. Bởi vậy, Chính phủ Trung Quốc thể hiện quyết tâm cao độ trong việc siết chặt hoạt động kiểm duyệt của các trang mạng này, đồng thời đề nghị người dùng Internet báo cáo nội dung “bất hợp pháp và có hại” trên các nền tảng trực tuyến.

Liên minh Châu Âu ra quyết định “mang tính bước ngoặt”

Cuối năm 2020, Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố hai dự án luật mang tên Đạo luật Thị trường số (Digital Markets Act – DMA) và Đạo luật dịch vụ số (Digital Services Act - DSA). Trong đó, Đạo luật Dịch vụ số (DSA), được EU thông qua trong năm 2022 và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2023, nhằm vào việc kiểm soát các tác hại của truyền thông xã hội, ngăn chặn các thông tin độc hại, bảo vệ quyền và lợi ích của người dùng, sâu xa hơn nữa là an ninh trật tự xã hội.

Theo đánh giá của EC, có khoảng hơn 10.000 nền tảng (platform) đang vận hành trên thị trường thương mại điện tử châu Âu. Trong số các nền tảng này, nổi bật nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ vô cùng quyền lực gồm nhóm GAFAM của Mỹ (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft), Alibaba và Bytedance của Trung Quốc, Samsung của Hàn Quốc và Booking.com của Hà Lan.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), trẻ em đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bao giờ hết. Trên khắp thế giới, cứ nửa giây lại có một đứa trẻ lên mạng lần đầu tiên. Điều đó khiến cho trẻ em trở thành những nạn nhân phổ biến của các hành vi bắt nạt trên mạng (cyberbullying) và các hình thức bạo lực khác mỗi khi họ đăng nhập vào mạng xã hội hoặc các nền tảng nhắn tin tức thời. Khi duyệt Internet, trẻ em có thể tiếp xúc với ngôn từ kích động thù địch và nội dung bạo lực - bao gồm cả các tin nhắn kích động tự làm hại bản thân và thậm chí tự tử. Đạo luật DSA được xây dựng bao gồm một số biện pháp như công nhận các quyền của trẻ em và cấm quảng cáo có mục tiêu nhằm vào trẻ em.

Đạo luật DSA áp dụng trên phạm vi rộng, bao gồm cách các công ty - nền tảng trực tuyến, công cụ tìm kiếm, thị trường trực tuyến và các nhà cung cấp dịch vụ số quan trọng khác - kiểm duyệt và quản lý nội dung, gồm cả nội dung bất hợp pháp. DSA cũng áp dụng cho các công ty không thuộc EU nếu họ cung cấp dịch vụ ở EU.

Bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành của EC và cũng là một trong những người đấu tranh quyết liệt cho tính công bằng trong ngành công nghệ, cho biết: “Các nền tảng nên minh bạch về các quyết định, cách thức kiểm duyệt nội dung của họ, ngăn chặn thông tin sai lệch nguy hiểm lan truyền và tránh cung cấp các sản phẩm không an toàn trên thị trường”.

Hai đạo luật mới của EU về kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng được coi là “mang tính bước ngoặt” bởi nhiều lý do. Mặc dù chỉ được áp dụng cho những đối tượng làm việc và cư trú tại EU, nhưng cũng giống như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR) của EU đã làm thay đổi bối cảnh toàn cầu về quản trị dữ liệu, thì Đạo luật DSA sẽ đặt ra “các tiêu chuẩn toàn cầu mới” cho một môi trường trực tuyến minh bạch và an toàn hơn. Đạo luật này, cùng với Đạo luật DMA, thể hiện nỗ lực của toàn khối EU trong việc giải quyết các tác động kinh tế và xã hội của những tập đoàn công nghệ lớn.

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, mặc dù các cơ quan quản lý của nước này đã đệ trình các vụ kiện chống độc quyền, chống lan truyền các thông tin độc hại đối với Google và Meta, nhưng đến nay vẫn chưa có luật liên bang về việc xử lý triệt để tình trạng này, ràng buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm trong việc kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội nói riêng và trên không gian mạng nói chung.

Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành luật kiểm soát quản lý và kiểm duyệt nội dung trên mạng xã hội là một bước tiến lớn, tuy nhiên các luật mới nếu không được thực thi nghiêm chỉnh thì sẽ chỉ “nằm trên giấy tờ”. Ông Thierry Breton của EC, người trong ban soạn thảo luật trên, cho biết: “Việc đưa ra các nghĩa vụ mới trên nền tảng và quyền cho người dùng sẽ là vô nghĩa nếu chúng không được thực thi đúng cách”. Bởi vậy, để luật đi vào cuộc sống một cách thực chất, cần có sự chung tay, góp sức và quyết tâm cao độ của toàn bộ hệ thống chính trị của các quốc gia thành viên của EU, cũng như toàn xã hội trong việc kiên quyết chống lại các nội dung, thông tin độc hại trên mạng xã hội.

 

(theo PLVN)


Ý kiến bạn đọc


VNPT và hành trình bền bỉ vì Nhân tài Việt Nam

(VnMedia) - Nhân tài Đất Việt là Giải thưởng duy nhất do một Tập đoàn Kinh tế Nhà nước đồng tổ chức và tài trợ chính trong suốt gần 20 năm qua - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Chỉ số ít tổ chức tại Việt Nam sẵn sàng đối phó với rủi ro về an ninh mạng ngày càng gia tăng

(VnMedia) - Chỉ có 6% tổ chức tại Việt Nam đạt được mức độ sẵn sàng ‘trưởng thành’ cần thiết để đối phó với những rủi ro về an ninh mạng ngày nay, theo Chỉ số Sẵn sàng An ninh mạng 2024 của Cisco.

Chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội: Nhiều lợi ích thiết thực cho người dân

(VnMedia) - Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên nâng cấp hệ thống, tiện ích để cung ứng các nền tảng thanh toán liên thông, cho phép xử lý tức thời và vận hành 24/7 để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp...

Bài học quan trọng từ vụ hack mật khẩu của Microsoft: Bảo mật mọi tài khoản!

(VnMedia) - Vụ hack vào Microsoft như một lời cảnh tỉnh cho các tổ chức ưu tiên triển khai bảo mật cho mọi tài khoản người dùng, nó cũng chỉ ra sự cần thiết của các biện pháp bảo vệ mật khẩu.

Thủ tướng: Có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo

(VnMedia) - Trao đổi, đối thoại với thanh niên về giải pháp thể chế, công nghệ để thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cơ sở dữ liệu rất quan trọng với chuyển đổi số, có cơ sở dữ liệu lớn thì mới có trí tuệ nhân tạo.