- Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023…
Xu hướng hội tụ giữa viễn thông, phát thanh truyền hình, công nghệ thông tin và tự động hóa trong thời gian vừa qua đã đặt ra những yêu cầu mới đối với lĩnh vực viễn thông. Công nghệ phát triển tạo ra các loại hình dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới thúc đẩy việc hình thành cơ sở hạ tầng viễn thông mới kết hợp với các hạ tầng kỹ thuật khác phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội, của nền kinh tế.
Xu thế mới đặt ra yêu cầu đối với hạ tầng viễn thông là phải trở thành hạ tầng phục vụ kinh tế số, xã hội số. Cách quản lý các dịch vụ viễn thông cũng cần thay đổi cho phù hợp để đảm bảo các dịch vụ kết nối, đảm bảo chất lượng dịch vụ phục vụ hoạt động của các ngành, lĩnh vực trên môi trường mạng.
Luật Viễn thông năm 2009 được ban hành đã giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển cơ sở hạ tầng mạng viễn thông hiện đại, phát triển thị trường viễn thông với đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm áp dụng, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Viễn thông đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn, cần được điều chỉnh để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác thực thi cũng như đáp ứng xu thế phát triển mới.
Các quy định về quản lý và điều tiết thị trường cần được bổ sung để thúc đẩy thị trường mạng di động ảo MVNO (Mobile Virtual Network Operator) phát triển, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng mạng của doanh nghiệp; quy trình, thủ tục, điều kiện về cấp phép cần điều chỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia nhập thị trường; xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm cũng như xu thế hội tụ viễn thông và công nghệ thông tin đòi hỏi phải có thêm các chính sách quản lý một cách phù hợp để đảm bảo an ninh, quốc phòng, an ninh thông tin cũng như đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ trên môi trường mạng...
Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)..., cũng như nhiều luật chung mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Quy hoạch, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công…, do đó, Luật Viễn thông cũng cần được xem xét, điều chỉnh để đồng bộ, thống nhất với các luật chung và cam kết quốc tế được ký kết sau năm 2010.
Nhận thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật Viễn thông, Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất các chính sách đưa vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi).
Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng luật, trong năm 2022, Cục đã khẩn trương dự thảo hồ sơ dự án luật và đăng website lấy ý kiến rộng rãi ngày 22/10/2022 cũng như gửi công văn lấy ý kiến trực tiếp các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội. Ngày 23/11 và 25/11/2022 vừa qua, Cục Viễn thông đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để tổng hợp các ý kiến, xem xét tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật.
Với việc đánh giá tổng thể Luật Viễn thông năm 2009, đồng thời nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến mới có sửa đổi, điều chỉnh khung pháp lý về viễn thông trong những năm gần đây, Cục Viễn thông đã tìm hiểu chính sách quản lý của các nước châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và các nước ASEAN như Malaysia, Singapore…, từ đó, đề xuất các chính sách sửa đổi, bổ sung trong Luật.
Chính sách quản lý bán buôn
Luật Viễn thông năm 2009 mới chỉ có quy định về kết nối, chia sẻ hạ tầng viễn thông thụ động, chưa quy định đầy đủ về chia sẻ, sử dụng mạng viễn thông giữa các doanh nghiệp cũng như chưa có quy định về mua bán lưu lượng dịch vụ để bán lại dẫn đến việc các doanh nghiệp khó khăn trong việc đàm phán, hợp tác với nhau.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường, phát triển dịch vụ, ứng dụng mới và quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế, Luật sửa đổi đề xuất bổ sung quy định về nghĩa vụ của doanh nghiệp bán buôn, quản lý giá bán buôn đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng cần quản lý tiền kiểm. Chính sách này sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước cũng như có ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp viễn thông.
Chính sách cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông
Hiện nay, Luật đang quy định có 02 loại giấy phép cung cấp dịch vụ không có hạ tầng mạng và giấy phép cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng, điều kiện, quy trình thủ tục cấp phép giống nhau với tất cả các loại dịch vụ viễn thông. Do đó, chưa thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ mới trên hạ tầng đã đầu tư, chưa thể hiện được yêu cầu về nghĩa vụ triển khai mạng của doanh nghiệp được cấp phép để đảm bảo mục tiêu phổ cập dịch vụ.
Việc đề xuất đưa vào Luật sửa đổi quy định về 3 hình thức cấp phép (cấp phép riêng, cấp phép nhóm, đăng ký) nhằm mục tiêu duy trì tạo thuận lợi gia nhập thị trường, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp, đồng thời thắt chặt quy định trong một số trường hợp như thiết lập mạng có sử dụng băng tần để tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Chính sách quản lý dịch vụ viễn thông vệ tinh
Vệ tinh chùm (Leo) có xu hướng phát triển mạnh, có nguy cơ cạnh tranh với các doanh nghiệp viễn thông hiện tại, cũng như đặt ra các nguy cơ về đảm bảo an toàn mạng, an ninh quốc gia. Trong khi, các quy định về cấp phép dịch vụ viễn thông vệ tinh đang ở cấp nghị định, chưa có quy định cụ thể về việc doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải thông qua thỏa thuận với doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép như thế nào.
Học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Cục Viễn thông đề xuất bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, điều kiện cấp phép đối với việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh để giải quyết bài toán tạo dựng thị trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm các vấn đề về quản lý viễn thông liên quan đến an toàn mạng lưới, an toàn, an ninh quốc gia.
Chính sách quản lý trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây
Kinh doanh dịch vụ trung tâm dữ liệu được xếp vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong khi đó, luật chuyên ngành chưa có quy định cụ thể, mới chỉ có Thông tư số 03/2013/TT-BTTTT ngày 22/01/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với trung tâm dữ liệu.
Do khung pháp lý chưa đầy đủ nên xuất hiện các nguy cơ như trung tâm dữ liệu không đạt chuẩn, không đảm bảo an toàn, chưa quy định về trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây trong việc bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng, an ninh thông tin; chưa có quy định quản lý các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.
Nhằm mục tiêu hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây ở Việt Nam, quản lý bảo vệ dữ liệu theo thông lệ quốc tế, Cục Viễn thông đã đề xuất bổ sung thêm 01 chương về kinh doanh trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây trong Luật sửa đổi.
Chính sách quản lý dịch vụ OTT
Dịch vụ OTT (Over the top - dịch vụ gia tăng trên nền mạng Internet) đã trở nên rất phổ biến trong những năm vừa qua, có tác động đến hoạt động của các nhà mạng viễn thông và đặt ra nguy cơ về lâu dài khó đảm bảo nguồn lực phát triển hạ tầng viễn thông nếu các doanh nghiệp OTT không tham gia chia sẻ chi phí.
Luật Viễn thông hiện nay không điều chỉnh các dịch vụ này trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đã coi OTT là dịch vụ viễn thông và có các chính sách quản lý. Việc bổ sung các quy định quản lý dịch vụ OTT trong Luật sửa đổi nhằm tạo điều kiện cho các dịch vụ này phát triển nhưng có quản lý để bảo vệ người dùng, đảm bảo các vấn đề về an toàn, an ninh cũng như tạo cơ chế để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT và các nhà mạng chia sẻ chi phí với nhau, đảm bảo nguồn lực phát triển hạ tầng lâu dài.
Chính sách quản lý dịch vụ IoT
Trên thế giới, dịch vụ IoT/M2M tăng trưởng mạnh với phương thức kết nối rất đa dạng. Tại Việt Nam, các nhà mạng cũng đã triển khai IoT/M2M trên mạng di động. Do hành lang pháp lý về dịch vụ IoT hiện nay chưa rõ ràng, đầy đủ nên để tạo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ IoT phát triển và đảm bảo các vấn đề về an toàn, an ninh, bảo vệ dữ liệu người dùng, Cục Viễn thông đã nghiên cứu, làm rõ các khái niệm trong luật để bao trùm dịch vụ IoT, đồng thời đề xuất bổ sung các quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật để hướng dẫn hoạt động thực thi.
Với các chính sách lớn đề xuất đưa vào Luật Viễn thông (sửa đổi) như trên, khung pháp lý về quản lý hoạt động viễn thông sẽ được hoàn thiện đầy đủ hơn, nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, giải quyết được các vấn đề vướng mắc, bất cập về thực thi trong suốt thời gian vừa qua cũng như đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.
Phạm Lê