- Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất đến thời điểm tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện...
Trong năm 2022, Bộ TT&TT đã tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Chính phủ để trình Quốc hội thông qua. Cùng với đó, công tác phủ sóng vùng lõm, lộ trình dừng công nghệ 2G, thúc đẩy điện toán đám mây ở Việt Nam, thúc đẩy các chỉ tiêu viễn thông. Những nỗ lực này đã được thể hiện qua những con số kết quả cụ thể.
Năm 2022, doanh thu dịch vụ viễn thông ước đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021 và vượt 3,75% so với kế hoạch năm 2022 (133.000 tỷ đồng). Nộp ngân sách lĩnh vực viễn thông năm 2022 ước đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2021 và đạt kế hoạch đề ra của năm 2022. Đây cũng là năm Việt Nam xếp hạng thứ 10 trên toàn cầu về tỷ lệ sử dụng IPv6.
Với nỗ lực thực hiện, thúc đẩy các chỉ tiêu viễn thông, trong năm 2022, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang tính đến tháng 12/2022 ước đạt 74,5%, xấp xỉ đạt mục tiêu kế hoạch đề ra năm 2022 là 75%, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Số thuê bao băng rộng cố định /100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 21,5 thuê bao/100 dân tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 22 thuê bao/100 dân. Số thuê bao băng rộng di động /100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 84 thuê bao/100 dân tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 85 thuê bao/100 dân.
Với công tác phủ sóng vùng lõm, trước ngày 01/01/2021, tỷ lệ phủ sóng các thôn, bản đạt 97,82%, còn lại 2.148 thôn chưa có sóng. Trong năm 2021 và năm 2022, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung nguồn lực, ưu tiên triển khai phủ sóng các thôn bản đã có điện (bao gồm cả các thôn đặc biệt khó khăn).
Đến nay, toàn quốc đạt 99,73% thôn bản đã có sóng (tăng 1,9% so với đầu năm 2021 - tương đương với 2.152 thôn đã được phủ sóng), còn lại 266 thôn chưa phủ sóng được do một số thôn chưa có điện, dân cư thưa, địa hình khó khăn.
Bộ TT&TT đã có văn bản số 3673/BTTTT-VTF ngày 22/9/2021 gửi các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, cung cấp bổ sung các thôn còn lõm sóng để tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai phủ sóng.
Trong năm 2022, Bộ TT&TT cũng đã xây dựng lộ trình dừng công nghệ 2G. Trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT&TT đã có công văn số 4833/BTTTT-CVT về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.
Theo đó, Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất đến thời điểm tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G, đồng thời kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Tại văn bản này, Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh… nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Ngày 09/11/2022, 99% Đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Dự án Luật được thông qua đã thể chế hoá kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đồng bộ với hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.
Luật đã bổ sung các chế tài mới như quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; việc thực hiện cấp lại giấy phép cho các doanh nghiệp viễn thông di động khi giấy phép hết hạn; cơ chế tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, thử nghiệm, công nghệ mới, việc sản xuất thiết bị vô tuyến để xuất khẩu thông qua cơ chế cho phép sử dụng tần số khác với mục đích được quy định trong các quy hoạch tần số; việc sử dụng băng tần để phát triển kinh tế kết hợp với phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; việc xã hội hóa công tác đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Với riêng lĩnh vực viễn thông trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm trong đó có việc nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các hành lang pháp lý về viễn thông, quy hoạch, quy định về quản lý, sử dụng kho số viễn thông đảm bảo phù hợp với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay và xu thế phát triển mới trên thế giới.
Triển khai chương trình thúc đẩy phát triển IDC, điện toán đám mây ở Việt Nam, tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo chất lượng các quyến cáp quang biển hiện có.
Có các biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm thúc đẩy chuyển đổi, phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường triển khai phủ sóng 4G, triển khai 5G.
Tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông hoàn thành việc phủ sóng các thôn, bản lõm sóng (chưa có sóng) băng rộng di động. Thúc đẩy phát triển hạ tầng băng rộng cố định, tăng cường phát triển thuê bao băng rộng cố định FTTH tới hộ gia đình; đảm bảo cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng thông rộng tốc độ cao được phổ cập tới các cơ quan, tổ chức, bệnh viện, trường học… thông qua việc đẩy mạnh triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2269/QĐ-TTg.
Tổ chức triển khai hiệu quả việc đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông quy định tại Quyết định số 16/2021/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động xử lý triệt để tình trạng SIM có thông tin không đúng quy định, SIM không chính chủ; tiếp tục chủ động, tích cực hạn chế tối đa tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về các rủi ro khi sử dụng SIM rác, phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác.
Thúc đẩy triển khai Mobile Money, tổng kết đánh giá 02 năm thí điểm và đề xuất lộ trình tiếp theo.
Triển khai các chương trình thanh tra, kiểm tra, giám sát về hàng hoá chuyên ngành, chất lượng dịch vụ viễn thông, sử dụng tài nguyên viễn thông.
Phạm Lê