Vào tháng 7-2022, TikTok đã ngừng chính sách bảo mật gây tranh cãi ở châu Âu, liên quan đến việc công ty tự động phân phối quảng cáo nhắm mục tiêu dựa trên hoạt động của người dùng mà không có sự đồng ý của họ.
Theo The Guardian, TikTok đang cập nhật lại chính sách quyền riêng tư cho người dùng ở Vương quốc Anh, Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) và Thụy Sĩ nhằm làm rõ việc dữ liệu người dùng có thể được truy cập bởi một số nhân viên ByteDance ở Trung Quốc.
TikTok (thuộc sở hữu của ByteDance) lưu trữ dữ liệu người dùng châu Âu ở Mỹ và Singapore. Công ty cho biết việc cập nhật chính sách là một phần trong nỗ lực quản lý dữ liệu của người dùng trong khu vực.
“Dựa trên nhu cầu công việc, chúng tôi cho phép một số nhân viên nhất định ở Brazil, Canada, Trung Quốc, Israel, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ truy cập từ xa vào dữ liệu của người dùng TikTok tại châu Âu”, công ty cho biết.
Tuy nhiên, TikTok cũng sẽ áp dụng thêm các biện pháp kiểm soát bảo mật nhằm hạn chế truy cập hệ thống, đồng thời khẳng định công ty không thu thập dữ liệu vị trí chính xác của người dùng châu Âu.
ByteDance đã nhiều lần phủ nhận việc bị kiểm soát bởi chính phủ Trung Quốc. Nền tảng này hiện đang có hơn 1 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng.
Hiện tại TikTok cũng đang phải đối mặt với lời kêu gọi cấm ứng dụng ở Mỹ vì lo ngại về an ninh quốc gia. Chia sẻ với Axios trong một cuộc phỏng vấn, Ủy viên FCC Brendan Carr tin rằng sẽ không có điều gì tốt hơn ngoài việc cấm TikTok tại Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Carr (một ủy viên đảng Cộng hòa) và các quan chức chính phủ Mỹ khác gây sức ép về lệnh cấm TikTok.
Tháng trước, công ty đã phản đối một báo cáo từ Forbes rằng một nhóm nhân viên ByteDance tại Trung Quốc đã lên kế hoạch sử dụng nền tảng này để theo dõi vị trí của một số công dân Mỹ.
(theo PLO)