- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện còn khoảng 15 triệu người ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chỉ dùng điện thoại 2G, trong khi 2 năm nữa sẽ tắt sóng 2G. Do vậy, phải hỗ trợ những người này chuyển sang máy điện thoại 3G, 4G…
Gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu (ĐB) Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nêu một thực tế là phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản, gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận “đúng là chỗ này là chỗ khó”. “Tôi đã nói nhiều lần về chuyện khó thì doanh nghiệp họ không làm, nhưng doanh nghiệp lại bỏ tiền ra thành quỹ và sau đó dùng quỹ để làm. Trước đây, chúng ta vẫn phải đưa đến tận nơi, đưa đến xã, rồi đưa đến thôn bản, tôi nghĩ thực sự tốn kém, cũng khó khăn nữa. Hiện nay, chúng ta đang đi theo hướng hãy cho bà con phương tiện tiếp cận đầu tiên để có sóng, mà phải là sóng 3G, 4G” - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên trả lời chất vấn |
Nhấn mạnh “ít nhất bà con phải có điện thoại thông minh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong Chương trình viễn thông công ích từ nay đến năm 2025 có dành ra 400 nghìn máy smartphone để hỗ trợ cho bà con và có thể còn nhiều hơn nữa.
“Bây giờ quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải thống kê được bao nhiêu hộ gia đình, bao nhiêu bà con, chỗ nào lõm sóng, chỗ nào chưa có phương tiện đó. Chúng ta có đủ ngân sách để làm việc này, cả ngân sách trung ương và cả ngân sách của các quỹ ngoài ngân sách, chúng ta lại còn 400 nghìn máy ipad cho các em học sinh mà chưa triển khai, cộng lại là 800 nghìn chiếc, mà mục tiêu là mỗi gia đình ít nhất có 1 cái, trong gia đình có thể dùng chung cũng được, sử dụng dịch vụ công, lên sàn để mua bán. v.v.. Chúng tôi nghĩ giải pháp lâu dài, căn cơ vẫn chính là cách này, tức là cho bà con ở vùng đó tiếp cận và khi đã tiếp cận được rồi thì đầy đủ thông tin, đầy đủ nội dung, học tập có, y tế có, mua bán có, bán hàng có, quan trọng nhất là tiếp cận” - Bộ trưởng giải thích.
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đặt câu hỏi: “Căn cứ vào chính sách nào để hỗ trợ máy Iphone max này? trong lúc đó sinh kế của người dân đang cần thiết hỗ trợ về cây, con giống, về hạ tầng phục vụ cho sản xuất và nhiều điều kiện nâng cao chất lượng của cuộc sống người dân. Xin hỏi Bộ trưởng là ưu tiên hỗ trợ cái nào trước?”
Giải thích cho ý này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, chuyện tiếp cận thông tin theo nghĩa có sóng, có thiết bị thì không dùng ngân sách, mà dùng Quỹ viễn Thông công ích ngoài ngân sách do các doanh nghiệp đóng góp.
“400 nghìn máy là điện thoại thông minh và có hỗ trợ mỗi một máy là 500 nghìn đồng, có nghĩa là có thể hỗ trợ một phần, ít nhất được khoảng hơn một nửa, các nhà mạng có thể hỗ trợ thêm chính quyền hoặc người dân. 400 nghìn máy ipad, máy tính bảng trong Chương trình máy tính cho em thì hỗ trợ 100%. Chỉ có điều là khi đi khảo sát thì thấy các em học cả buổi sáng, loại 2 triệu rưỡi thì hơi nóng, có đề xuất nâng lên mức khoảng 3 triệu thì được một máy tốt hơn, các em dùng được lâu hơn. Rất có thể còn thiếu ngoài 800 nghìn cái này.” – Bộ trưởng giải thích.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thông tin: Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo các nhà mạng tham gia, vì các nhà mạng cũng có lợi ích trong việc này. Một là đến năm 2024 sẽ ngừng 2G vì giấy phép tần số hết hạn, không quy hoạch tiếp 2G. Các nhà mạng lúc bấy giờ phải chuyển đổi công nghệ. Một khi chuyển đổi công nghệ thì phải bù máy cầm tay cho người dân. Trong lúc này còn khoảng gần 2 năm nữa thì nhanh chóng chuyển đổi để đến khi dừng thì cái cần phải bỏ ra hỗ trợ cho bà con giảm đi. Thường thường các quốc gia thì khi nào còn 5%, tức là ở Việt Nam còn khoảng 6 triệu máy 2G thì lúc đấy là lúc phù hợp để chúng ta tắt sóng, vì khi tắt sóng thì các nhà mạng có lợi ích rất lớn là không phải vận hành mạng 2G nữa, dùng tiền đấy để bù.”
“Hiện nay chúng ta còn 25 triệu máy 2G, nhưng số người đang chỉ dùng mỗi một máy 2G thì khoảng 15 triệu, có nghĩa trong 2 năm nữa chúng ta phải đưa được 10 triệu người đó chuyển sang máy 3G, 4G, còn lại khoảng 5-6 triệu người cuối cùng đến lúc tắt sóng thì chúng ta sẽ hỗ trợ" - Bộ trưởng thông tin thêm.