- Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, công nghệ blockchain hiện đang được chú trọng và được coi là trung tâm của cuộc cách mạng kinh doanh…
Tại chương trình “Kết nối đầu tư công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc” diễn ra chiều 28/11, các đại biểu đến từ Việt Nam, Hàn Quốc đã cùng thảo luận thêm về những xu hướng mở rộng của công nghệ blockchain như NFT (một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số”, Metaverse, DeFi, DAO… vốn đang là trọng tâm của cách mạng 4.0 trên thế giới mà Việt Nam cần phải nắm bắt và theo kịp nếu muốn giành vị thế chủ động trong cuộc đua công nghệ.
Theo ông Choi Kang Yong, Chủ tịch của NBN, kênh tin tức Blockchain số 1 tại Hàn Quốc, “chúng ta đều thấy rằng xu hướng chuyển đổi sang tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất mạnh mẽ trong chỉ ở Việt Nam, Hàn Quốc mà còn trên toàn thế giới.
Ông Choi Kang Yong, Chủ tịch của NBN |
Thêm vào đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, công nghệ blockchain hiện đang được chú trọng và được coi là trung tâm của cuộc cách mạng kinh doanh. Thị trường tiền điện tử ở Hàn Quốc được ước tính trị giá lên đến 23 tỷ USD với hơn 7 triệu người dùng giao dịch mỗi ngày. Thị trường toàn cầu hiện nay ở mức 900 tỷ USD, tương đương với 20 triệu tỷ đồng.
“Với tiềm năng lớn như vậy, đây là lúc để chúng ta suy nghĩ lại về thị trường vốn và khả năng tiếp cận thị trường tài sản kỹ thuật số với góc nhìn rộng hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần hướng đến việc khai thác thị trường vốn này như là giải pháp để đối phó với suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và sự gia tăng lãi suất trên thị trường vốn” - ông Choi Kang Yong nói.
Cùng quan điểm đó, ông Mark Hwang, Chủ tịch Hiệp hội NFT Hàn Quốc tại Việt Nam (KONCA) đánh giá, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường NFT. Phải có người dùng thì thị trường mới có thể phát triển.
Ông Mark Hwang, Chủ tịch Hiệp hội NFT Hàn Quốc tại Việt Nam (KONCA) |
Theo Mark Hwang, thị trường NFT ở Hàn Quốc đang phát triển rất nhanh. Vào năm 2021, HYBE- cơ quan quản lý của các siêu sao K-POP trong đó có nhóm nhạc nổi tiếng BTS, tuyên bố sẽ hợp tác với nhà điều hành tiền điện tử lớn nhất Hàn Quốc để xây dựng những sản phẩm NFT.
Không chỉ BTS mà còn rất nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, thần tượng khác cũng đang tham gia vào lĩnh vực này. Yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển này là nhu cầu thị trường thay đổi, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của công nghệ trong các sự kiện, sự kiện không thể chỉ dựa vào offline. Và công nghệ của NFT đã xuất hiện vào đúng thời điểm. Những sản phẩm, món quà lưu niệm (CD, album) có khai thác NFT có lẽ là bước khởi đầu dẫn tới sự phát triển thị trường NFT tại Hàn Quốc.
Quy định tại Hàn Quốc cũng chưa thực sự hoàn thiện mà vẫn tiếp tục đang trong quá trình rà soát. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm của đất nước chúng tôi, ta cần tách bạch các quy định về tiền điện từ và quy định NFT là riêng.
“Cá nhân tôi tin rằng Việt Nam có tiềm năng rất lớn để phát triển thị trường NFT. Phải có người dùng thì thị trường mới có thể phát triển. Tôi cho rằng tiềm năng rõ ràng nhất của Việt Nam là lợi thế về dân số. Với số dân gần 100 triệu người, trong đó lực lượng trẻ từ 20-30 tuổi đông đảo, đây là những người dùng tiềm năng. Trong số đó có nhiều người đã có thể nói bằng Tiếng Anh, Tiếng Trung, Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, hiểu được các nội dung khác nhau. Do đó, tôi tin rằng thị trường NFT tại Việt Nam có tiềm năng lớn, có nhiều cơ hội, không chỉ đối với giới giải trí mà còn cả các lĩnh vực khác nữa” - Mark Hwang đưa ra nhận định.
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam |
Ông Hoàng Văn Huây, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, kể từ khi chính thức ra mắt công chúng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã triển khai một loạt công việc hướng tới ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ Blockchain vào phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó có vấn đề hỗ trợ cũng như khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ này. Tuy nhiên, blockchain vẫn là công nghệ mới tại Việt Nam nên Hiệp hội cũng đang chủ trương kế hoạch phổ cập kiến thức này tới các doanh nghiệp và người dân.
“Hiệp hội sẽ bàn với các cơ quan lập pháp của Quốc hội để xây dựng quy định về pháp lý đối với blockchain ở Việt Nam. Đây là một cách để hỗ trợ và giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam yên tâm hoạt động ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh của mình” - ông Huây cho hay.
Phạm Lê