- Tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021.
Đó là thông tin được chia sẻ tại ra Hội thảo: “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp” vừa diễn ra sáng 9/10 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.
TS. Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch VDCA, Trưởng Ban Tổ chức VDA 2022 - cho biết mục đích của Hội thảo nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số.
“Hội thảo là một sự kiện thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, TS. Nguyễn Minh Hồng nói.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng ghi nhận và khẳng định việc VDCA tổ chức hội thảo này là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số; thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội thảo. |
Tại phiên họp đầu tiên của Uỷ ba Quốc gia về Chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh chuyển đổi số tác động tới mọi người dân, cho nên, phải lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số. Mọi chính sách đều hướng về người dân và người dân cần tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Có như vậy, chuyển đổi số mới mang tính toàn dân và toàn diện, mới mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
"Hội thảo “Tăng tốc Chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, của doanh nghiệp” là dịp tốt để chúng ta cùng nhau nhìn lại chặng đường trong suốt gần 02 năm qua, chuyển đổi số đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực gì cho người dân, cho doanh nghiệp như Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đã chỉ đạo" - Thứ trưởng phát biểu.
TS Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số phát biểu |
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), chia sẻ, nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021; Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025: 20% GDP.
Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe.
Đại tá Vũ Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ 01/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam.
Việc cấp thẻ CCCD gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.
Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức; Đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ ATM.
Chia sẻ về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, ông Phùng Trọng Văn - Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải - khẳng định chuyển đổi số đã mang lại hàng loạt lợi ích. Bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải đã cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; Hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; Hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Giám đốc tăng trưởng GapoWork, không gian làm việc số (digital workplace) cung cấp cho nhân viên các công cụ, nền tảng và dịch vụ công nghệ thông tin để làm việc và công tác mọi lúc mọi nơi với chế độ bảo mật phù hợp; Giúp tối ưu trải nghiệm làm việc của nhân sự, từ đó thúc đẩy năng suất; đồng thời đáp ứng được nhiều cấp bậc nhân sự trong tổ chức với nhu cầu và khả năng công nghệ khác nhau.
Nếu không có không gian làm việc số, công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ gặp hàng loạt trở ngại, như: độ trễ và sự minh bạch trong trao đổi công việc giữa các cấp; Chất lượng về tốc độ phối hợp công việc bị hạn chế; Tính liên thông dữ liệu giữa các ứng dụng sẽ kém hơn, phát sinh nhiều tác vụ thủ công, tốn nguồn lực và tạo nhiều lỗ hổng trong đồng bộ thông tin; Lãnh đạo khó kiểm soát thông tin hơn, có thể gặp rủi ro thất thoát thông tin; Thiếu sự đồng bộ, kịp thời và đa chiều trong truyền đạt thông tin trong đơn vị;…
Không gian làm việc số sẽ giúp hỗ trợ lực lượng lao động phân tán khắp nơi, bổ trợ và giải quyết một số vấn đề cho không gian vật lý. Không gian làm việc số cũng sẽ phá bỏ rào cản giữa nhân sự, thông tin và quy trình: tách bạch giữa công việc và cuộc sống; Quản trị linh hoạt, tăng sự hiện diện của lãnh đạo; Quản trị tinh gọi, tăng tốc xử lý thông tin qua thúc đẩy giao tiếp.
Phạm Lê