Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số: Cần sự chung sức của các Bộ, ngành!

0
0

- Để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ khi hội nhập vào nền kinh tế Internet, rất cần có vai trò “bệ đỡ’ của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.

Đó là quan điểm được nhiều đại biểu tham dự đồng tình tại Toạ đàm: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội.

Đây cũng là dịp để đại diện đến từ các cơ quan quản lý cùng lắng nghe tiếng nói của các doanh nghiệp nội dung số với những cơ hội và thách thức trên môi trường số để từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển trên môi trường số.

Thị trường màu mỡ cho phát triển kinh tế kỹ thuật số

Hiện Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có 4 kỳ lân với định giá hơn 1 tỷ USD và hơn 10 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) được định giá hơn 100 triệu USD, đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp Việt Nam hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2021.

Thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang rất sôi động. Kinh tế Việt Nam đang không ngừng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và nước ngoài muốn mở rộng, phát triển thị trường.

Theo báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, khu vực Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá một nghìn tỉ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hoá (GMV).

Được thúc đẩy bởi nền tảng người tiêu dùng và doanh nghiệp kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng, sự tăng tốc trong thương mại điện tử, giao thức ăn và dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Đông Nam Á (SEA) ước tính đạt 174 tỉ USD (GMV) vào cuối năm 2021. Con số này dự kiến sẽ vượt qua 360 tỉ USD vào năm 2025, vượt xa dự báo trước đó là 300 tỉ USD.

Có thể thấy, nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như: Phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển các doanh nghiệp tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng, song thực tế trên Internet thì rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài.

Cụ thể, thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng. Khả năng áp dụng pháp luật hiện hành với các chủ thể nước ngoài hoặc ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam chưa mạnh khiến tính tuân thủ pháp luật của các chủ thể này chưa cao, gây thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong nước và thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia.

Toàn cảnh buổi tọa đàm
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Nhưng còn nhiều rào cản, khó khăn

Tham dự tọa đàm, ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect chia sẻ, trong 8 năm phát triển từ đơn vị nhỏ, do Việt Nam chưa có các chính sách, hoạt động cụ thể cho các doanh nghiệp nội dung số phát triển, 8 năm qua Sconnect “vừa làm vừa mò mẫm”. “Trước cơ hội sự phát triển của nền kinh tế số, chúng tôi và các doanh nghiệp có các sự phát triển nổi bật và cũng đáng tự hào. Tuy nhiên cũng gặp phải các trở ngại lớn và nó tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp mà sự tác động này trong nội tại doanh nghiệp rất khó có thể xử lý được”.

Ông Hoàng cho biết, Sconnect đang đối mặt với nhiều thách thức trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh là Entertaiment One (EO). Wolfoo là bộ nhân vật hoạt hình đang chiếm hàng tỷ lượt xem mỗi tháng và hàng triệu người theo dõi… ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của của EO với nhân vật Pepa Pig, dẫn tới việc họ có những hành động cạnh tranh không lành mạnh.

Phía EO đã triển khai một số hoạt động pháp lý. Theo đó, 11/11/2022 đã khởi kiện Sconnect tại Nga về việc đăng tải sản phẩm là không hợp lệ do cho rằng đây là sản phẩm phái sinh. Tháng 7/2022 EO đã rút toàn bộ đơn khởi kiện khi Sconnect tham gia các hoạt động tố tụng với EO. Đối với vụ kiện tại Toà án cấp cao của Anh, EO gửi đơn kiện từ tháng 2/2022, toà án Anh chưa xác nhận thẩm quyền xem có nhận vụ án hay không cho đến tháng 11 này. Với lộ trình này, tiềm lực và kinh nghiệm mạnh của EO họ liên tục kiện tại nhiều thị trường trong khi Sconnect là doanh nghiệp mới chưa đủ tiềm lực.

Hệ thống kinh doanh của Sconnect đang bị gián đoạn bởi phải triển khai các hoạt động pháp lý để có cơ sở làm việc, phải tốn nhiều nguồn lực của công ty khi không thể đưa nội dung mới lên YouTube và triển khai các hoạt động kinh doanh với các đối tác.

Đại diện Sconnect chia sẻ tại tọa đàm
Đại diện Sconnect chia sẻ tại tọa đàm

Hoạt động trong lĩnh vực phát triển giải pháp lĩnh vực phát thanh truyền hình, thị trường trong và ngoài nước, ông Nguyễn Ngọc Hân - CEO Thủ đô MultiMedia cũng chia sẻ, là đơn vị đầu tiên nhận kinh doanh lĩnh vực này tại Việt Nam, nên khi triển khai, các vấn đề bản quyền còn khá mới.

“Với sự phát triển công nghệ số, có thể bán nội dung ra toàn cầu, nhưng khi đó, Thủ đô Multimedia gặp thách thức lớn nhất là các đối thủ thường cạnh tranh về giá, tìm mọi cách dìm giá xuống. Khi Thủ đô Multimedi đưa ra giá thấp hơn, ngay lập tức bị khiếu nại liên quan đến cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp chưa đến tầm để bị cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhưng bị kẹt ở ngưỡng nâng giá lên gặp khó, hạ giá xuống cũng gặp khó” - ông Hân nói.

Cùng nỗi niềm đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Ant Group nói, “chúng tôi rất đơn độc khi đi ra nước ngoài. Các lĩnh vực khác như xuất khẩu gạo, cá tra, các sản phẩm cá tra khi xuất khẩu ra nước ngoài khi gặp khó khăn thì có Bộ Công Thương hay các Hiệp hội hỗ trợ. Nhưng với các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam đã làm ra những sản phẩm tốt, mang doanh thu kiều hối từ nước ngoài về nhưng khi gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài, hay bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh có tiềm lực ở nước ngoài thì không biết dựa vào đâu, không biết cơ quan nào có thể đứng ra đồng hành cùng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp khởi nghiệp rất mong muốn được sự đồng hành của các cơ quan nhà nước khi đi ra nước ngoài”.

Về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp bị tranh chấp trên mạng, theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), vấn đề bảo hộ quyền SHTT chưa được quan tâm đúng mức nhất là doanh nghiệp. Sự quan tâm, nhận thức vể quyền SHTT của doanh nghiệp cần thay đổi căn bản nếu không sẽ không giải quyết được các vụ việc.

Ông Trần Lê Hồng cho rằng, quyền SHTT là vấn đề phức tạp, có chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp về chuyên môn đúng thì việc giải quyết vụ việc là không thể có do đó các doanh nghiệp cần tiếp cận một cách rõ ràng, chuyên nghiệp. Phía cơ quan Nhà nước đã nỗ lực xây dựng và phát triển môi trường lành mạnh về SHTT nên các doanh nghiệp cần phải chung tay. Việc hưởng ứng của doanh nghiệp thực sự đang là vấn đề lớn.

Theo ông Trần Lê Hồng, các doanh nghiệp nếu có tài sản có giá trị thì phải tìm mọi cách bảo vệ nhưng với tài sản trí tuệ thì vẫn chưa tìm cách bảo vệ các tài sản đó. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp cần đặt câu hỏi rằng mình đã đầu tư đã làm những gì để bảo vệ các tài sản đó, các doanh nghiệp đã có người chịu trách nhiệm làm các vấn đề này hay chưa bởi chúng tôi đang đơn độc trong vấn đề này do các doanh nghiệp chưa có các hành động cụ thể. Chúng tôi mong muốn thời gian tới cần thay đổi nhận thức này.

Được tổ chức theo hình thức thảo luận mở, có thể nói, toạ đàm: “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số” đã thực sự là diễn đàn để các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số, kinh tế số chia sẻ về xu hướng phát triển của nền kinh tế online, cơ hội và những thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi bước ra sân chơi toàn cầu.

Và điều mong mỏi nhất từ phía các doanh nghiệp tham dự hội thảo vẫn là mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp bằng cách hoàn thiện sớm các quy định của pháp luật, cơ chế áp dụng pháp luật phù hợp với nền kinh tế số và có hiệu lực áp dụng với cả các chủ thể nước ngoài; tích cực nghiên cứu, tổ chức thảo luận lấy ý kiến, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp số phát triển theo chủ trương định hướng kinh tế số của Chính phủ…

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Xử lý doanh nghiệp xăng dầu không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử

(VnMedia) - Tăng cường đôn đốc, giám sát, kiểm tra và quyết liệt thực hiện quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bắc Bộ chuyển rét, đêm nay Hà Nội 16 độ

(VnMedia) - Hôm nay 19/3, Bắc bộ có dạng thời tiết trời nhiều mây, ngày có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trời chuyển rét.

Lý do Internet VNPT được nhiều người lựa chọn

(VnMedia) - Trong số các nhà cung cấp dịch vụ Internet, VNPT đã thu hút sự quan tâm và lựa chọn của nhiều người dùng. Dưới đây là những lý do dịch vụ Internet của VNPT được nhiều người ưa chuộng?

HLV Troussier công bố danh sách tuyển Việt Nam đấu Indonesia

(VnMedia) - Tối ngày 18/3, HLV Philippe Troussier đã công bố danh sách 28 cầu thủ của đội tuyển Việt Nam hướng tới 2 trận đấu gặp Indonesia thuộc lượt trận 3 và 4, trong khuôn khổ bảng F, vòng loại thứ 2 World Cup 2026, khu vực châu Á. Đáng chú ý là sự vắng mặt của Công Phượng và Duy Mạnh ở loạt trận đấu sắp tới.

Bộ Công Thương cảnh báo một số mặt hàng nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại

(VnMedia) - Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa công bố danh sách cảnh báo một số mặt hàng có nguy cơ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.