Chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu giúp phát huy, nâng tầm các giá trị di sản

0
0

- Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên Huế trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 03 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 03 di sản phi vật thể cấp quốc gia; 10 nhóm cổ vật với 35 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có 07 di sản được UNESCO vinh danh thuộc 3 loại hình khác nhau (Di sản vật thể: Quần thể di tích Cố đô Huế; Di sản phi vật thể: Nhã nhạc -Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ; Di sản tư liệu: Mộc bản, Châu Bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).

 

Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa phong phú đó đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, đội ngũ cán bộ trực tiếp tham mưu thực hiện công tác bảo tồn, bảo tàng; đặc biệt cần có những công cụ, phương thức quản lý khoa học, hiện đại để vừa nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn, vừa khai thác và phát huy hiệu quả các giá trị của văn hóa, di sản để đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Và việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu nhất để duy trì, gìn giữ, phát huy và nâng tầm các giá trị di sản, văn hóa truyền thống ở Thừa Thiên Huế trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong việc chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa di sản

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều thuận lợi khi UBND tỉnh đã quan tâm ban hành Kế hoạch số 399/KH-UBND ngày 01/11/2021 về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu, các lễ hội tiêu biểu, có giá trị trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được kiểm kê, chuẩn hóa thông tin, lý lịch khoa học kèm bản chụp các hình ảnh về di tích, hiện vật, tư liệu, lễ hội. Đây là tiền đề thuận lợi để đẩy mạnh việc thực hiện số hóa, chuyển đổi số các di sản văn hóa trong thời gian đến.

Một số đơn vị đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng Thành bằng công nghệ số, Scan số hóa 3D lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage...

Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức các cuộc triển lãm 3D, giới thiệu không gian, tham quan bảo tàng và các di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hình ảnh 360 độ trực tuyến trên Website; Thư viện Tổng hợp tỉnh đã thực hiện Scan, số hóa các tài liệu hán nôm được sưu tầm (là những loại tài liệu: Sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, văn cúng đang lưu giữ tại các dòng họ, làng với sự phong phú và đa dạng, nhiều chất liệu khác nhau) với hơn 400.000 trang tài liệu có giá trị, tương ứng với khoảng 4.980 đầu tài liệu các loại tại 187 làng, 923 họ tộc, 18 phủ đệ và tư gia trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Tuần lễ Festival Thừa Thiên Huế năm 2022 đã ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D Mapping hiện đại để tổ chức lễ khai màn độc đáo và đầy ấn tượng.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả bước đầu đã đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức bao gồm xây dựng, xác định các nội dung văn hóa, di sản ưu tiên thực hiện chuyển đổi số; việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ số hóa; việc cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung số hóa, chuyển đổi số; các doanh nghiệp công nghệ có nền tảng số phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản trên địa bàn tỉnh chưa phát triển, đội ngũ nguồn nhân lực thành thạo công nghệ thông tin để đáp ứng công việc... và thách thức lớn nhất là vấn đề kinh phí thực hiện các nội dung số hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, di sản.

Những định hướng chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế

Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi trong lĩnh vực lĩnh vực văn hóa di sản ở Thừa Thiên Huế trên cơ sở lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng kinh phí đáp ứng được để thực hiện chuyển đổi số trước.

Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án tổng kiểm kê di sản văn hoá, lễ hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo cơ sở để cung cấp nguồn thông tin, dữ liệu đầu vào phục vụ cho mục đích chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Thực hiện số hóa đồng bộ, toàn diện cho các đơn vị trong toàn Ngành, đặc biệt là các đơn vị trong khối di sản văn hóa. Trong đó tập trung thực hiện số hóa và triển khai ứng dụng trên các nền tảng số đối các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh và các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt ưu tiên số hóa các di sản UNESCO, các di tích quốc gia đặc biệt, hệ thống di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế bằng công nghệ VR3D để phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Triển khai thực hiện số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số các tư liệu, hiện vật tại các bảo tàng, di tích; quản lý tốt và khai thác hiệu quả các dữ liệu để tổ chức các hoạt động tham quan, trưng bày, triển lãm trên nền tảng kỹ thuật số phục vụ khách tham quan. Trong đó xác định tập trung số hóa 35 Bảo vật Quốc gia (và các bảo vật khác sau khi đã được công nhận bảo vật quốc gia) bằng công nghệ VR3D.

Tập trung xây dựng hệ thống bản đồ số về văn hóa, di sản (bao gồm các di tích, địa điểm tham quan, cơ sở dịch vụ văn hóa, ẩm thực) trên địa bàn tỉnh, xác định tọa độ GPS, cập nhật đường đi và thông tin khái quát về các địa điểm văn hóa, di sản để phục vụ người dân, du khách tra cứu thông tin.

Thực hiện số hóa nguồn tài liệu cổ, quý hiếm hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh; xây dựng thư viện số - thư viện thông minh, liên thông dữ liệu số hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở.

Tăng cường ứng dụng công nghệ trình chiếu 3D - Mapping trong công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, biểu diễn nghệ thuật để nâng cao chất lượng nghệ thuật và thu hút người xem.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác văn hóa, di sản. Đầu tư hệ thống máy móc, hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị chuyên dụng, hiện đại phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào hoạt động của văn hóa di sản là hết sức cần thiết, đây sẽ là cầu nối để đưa các giá trị văn hóa, di sản của tỉnh Thừa Thiên Huế đến gần hơn với người dân, du khách; đóng góp tích cực vào trong quá trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế, góp phần đưa văn hóa, di sản trở thành những sản phẩm của du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc


Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chiều 26/7, ông Nguyễn Trọng Trường, đại diện gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời cảm ơn của gia đình Tổng Bí thư tại Lễ Truy điệu.

Bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào gửi Phu nhân Tổng Bí thư

(VnMedia) - VnMedia xin đăng tải toàn văn bức tâm thư của Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith gửi Phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ngô Thị Mận.

Nhớ về một người Cộng sản chân chính

(VnMedia)- Mỗi khi nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong tôi hiện lên hình ảnh một người Cộng sản chân chính. Và, lúc này, tôi lại nhớ đến câu chuyện mẹ tôi vẫn kể trong những năm tháng bà còn sống về cha tôi - một người Cộng sản...

Cảnh báo chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu, cầu thủ nhí trên không gian mạng

(VnMedia) - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về chiêu trò lừa đảo tuyển mẫu nhí, cầu thủ nhí, người đại diện thương hiệu nhằm chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Giá vàng đảo chiều tăng mạnh

(VnMedia) - Chốt phiên giao dịch rạng sáng nay (24/7), giá vàng giao ngay tại thị trường New York đã đảo chiều tăng mạnh hơn 13 USD/ounce. Trong nước, chiều qua, giá vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mốc gần 80 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.