- Việc Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ - Bà Nancy Pelosi đến Đài Loan tối ngày 02/8 (theo giờ Việt Nam), đã khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Đài Loan lại càng gia tăng. Tình hình đó gây lo lắng cho các khách hàng thân thiết của công ty sản xuất thiết bị bán dẫn (chip) lớn nhất thế giới tại Đài Loan (TSMC).
Cụ thể, các hãng công nghệ phụ thuộc vào TSMC để sản xuất vi xử lý (chip) như Apple, Qualcomm, Mediatek, Nvidia, Intel, AMD… vô cùng lo lắng. Bất ổn về chính trị khiến các hãng trên thế giới đang phụ thuộc vào TSMC có thể bị gián đoạn kế hoạch sản xuất thiết bị.
Vào tháng 6 năm 2021, giới chuyên môn đã nói về lý do tại sao sự phụ thuộc của thế giới vào TSMC có thể dẫn đến thảm họa và bây giờ nó đã phần nào trở thành hiện thực. Chủ tịch TSMC Mark Liu đã bày tỏ sự quan ngại của mình về những căng thằng chính trị giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan. Theo Focus Taiwan, lãnh đạo của TSMC nói rằng, trong trường hợp Trung Quốc và Đài Loan xảy ra xung đột, các trung tâm nghiên cứu của TSMC sẽ "không thể hoạt động." Đồng thời, sẽ dẫn đến "sự xáo trộn kinh tế lớn" trong khu vực.
Ông Liu nói rằng, quy trình mà TSMC áp dụng để chế tạo chip đòi hỏi phải có sự hợp tác từ cả phía khách hàng lẫn nhà cung cấp của nó. Nếu xung đột nổ ra, mối liên kết kể trên có thể bị chặn lại khiến TSMC không có khả năng sản xuất chip. Trung Quốc hiện đang chiếm 10% doanh thu của TSMC, chủ tịch TSMC hy vọng, thị trường Đại lục sẽ thấy được tầm quan trọng của sản phẩm chip và có những nước đi không làm tình hình chính trị trở nên quá xấu.
Cũng theo ông Liu, xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ không có bất kỳ bên nào có lợi, kể cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân, thậm chí có thể phá hủy “nền tảng luật pháp của thế giới" và làm "thay đổi hoàn toàn" nền chính trị của khu vực. Không điều gì có thể ngăn Trung Quốc cố gắng nắm quyền kiểm soát TSMC, mà bất kỳ hành động quân sự nào trong khu vực cũng sẽ "tạo ra bất ổn kinh tế lớn cho cả hai bên”.
Lãnh đạo TSMC cũng nhấn mạnh rằng, trong trường hợp TSMC phải ngừng sản xuất, nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ nhận thấy rằng "đột nhiên một phần của sản phẩm công nghệ hiện đại sẽ không còn nữa”. TSMC là công ty có giá trị thứ 10 trên thế giới dựa trên vốn hóa thị trường (dựa trên giá cổ phiếu nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành). Giao dịch cổ phiếu của TSMC tại thị trường New York giảm xuống mức 84,17 USD/cổ phiếu trước khi tăng trở lại vào trước thời điểm đóng cửa phiên giao dịch bình thường ở mức 86,05 USD/cổ phiếu.
Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - Bà Pelosi đến Đài Loan đã khiến bà trở thành quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Vùng lãnh thổ Đài Loan kể từ năm 1997. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm này "làm suy yếu nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc".
TSMC và Samsung Foundry là hai xưởng đúc hiện đang sản xuất chipset sử dụng các nút quy trình tiên tiến trong phạm vi 3nm-5nm. Số nút quá trình được sử dụng để sản xuất chip càng thấp thì số lượng bóng bán dẫn của chip đó càng lớn. Càng nhiều bóng bán dẫn cung cấp năng lượng cho chip thì chip đó càng mạnh và tiết kiệm năng lượng. Samsung đã bắt đầu xuất xưởng chip 3nm cho các công cụ khai thác tiền điện tử và TSMC sẽ bắt đầu xuất xưởng các mạch tích hợp 3nm vào cuối năm nay.
Trung Quốc đã và đang tìm cách tự cung tự cấp trong ngành công nghiệp bán dẫn và gần đây, xưởng đúc lớn nhất của họ - SMIC đã gây chú ý bằng cách sản xuất chip 7nm cơ bản cho các thợ đào tiền điện tử. Trước đây, SMIC bị giới hạn trong việc sử dụng nút quy trình 14nm của nó.
Hoa Kỳ đã đặt ra các hạn chế ngăn không cho SMIC thu được các máy in thạch bản cực tím (EUV) mới từ công ty ASML của Hà Lan. Những cỗ máy trị giá 200 triệu USD này giúp khắc các mẫu mạch điện trên các tấm đĩa bán dẫn được sử dụng để đặt các bóng bán dẫn trên một con chip. Hiện có hàng tỷ bóng bán dẫn được tích hợp bên trong một con chip, mà những bóng bán dẫn này mỏng hơn nhiều so với chiều rộng của sợi tóc người.
Hoàng Thanh