- Khi các quốc gia thi hành lệnh phong tỏa, công nghệ ảo đã nhanh chóng trở thành phần thiết yếu trong cuộc sống. Chăm sóc sức khỏe, công nghệ và phát triển bền vững - đại dịch COVID-19 đã thay đổi đời sống như thế nào, và tương lai sẽ ra sao?
Đại dịch COVID-19 đã mở ra một trạng thái “bình thường mới”. Khi các quốc gia dỡ bỏ lệnh phong tỏa, các văn phòng và trường học hoạt động trở lại, mọi thứ từ cách chúng ta tương tác đến công việc đều đã thay đổi mãi mãi.
Với mong muốn hiểu hơn về những ảnh hưởng của đại dịch đã, đang và sẽ tác động như thế nào đến cuộc sống, 3M đã thực hiện một nghiên cứu độc lập với 22.000 người trưởng thành tại 11 quốc gia khác nhau, bao gồm Pháp, Brazil, Trung Quốc, Mexico, Canada, Nhật Bản, Đức, Anh, Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Ông Jim Falteisek, Phó Chủ tịch Cấp cao, mảng Quan hệ Công chúng khu vực châu Á của 3M đã đưa ra một bài viết chia sẻ về những tác động mà Covid đã mang lại cùng với các thay đổi trong kinh doanh, đời sống và nhận thức của các doanh nghiệp về sức khỏe, công nghệ, trí tuệ AI, và phát triển bền vững.
Sau đây là những điều mà 3M rút ra được thông qua cuộc nghiên cứu.
![]() |
Tăng mức độ nhận thức sâu sắc về sức khỏe
Mọi người đang quan tâm đến vấn đề sức khỏe hơn bao giờ hết. Không có gì ngạc nhiên khi việc sống cùng đại dịch đã thay đổi cách nhìn của mọi người về tình trạng sức khoẻ. Theo 3M Futures, 76% dân số thế giới xác nhận rằng đại dịch đã khiến họ quan tâm đến sức khỏe cá nhân nhiều hơn. Tại Việt Nam, sức khỏe cũng là mối quan tâm hàng đầu của mọi người.
Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng có sự tăng trưởng đáng kể trong mức tiêu thụ thực phẩm lành mạnh, các sản phẩm tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Đại dịch thậm chí ảnh hưởng đến cả cách chúng ta nhìn nhận về những không gian công cộng khi có đến 77% người tham gia khảo sát cho rằng các địa điểm này nên được thay đổi thiết kế để có thể bảo vệ sức khỏe cho mọi người tốt hơn.
Văn phòng là một trong những không gian công cộng được kể đến. Đại dịch diễn ra đã phá vỡ những ý tưởng về nội thất công sở vốn có, khiến các công ty phải đối mặt với thách thức đến từ hai phía: vừa tạo ra không gian khơi gợi tính “cộng đồng”, vừa phải bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của đội ngũ nhân viên.
Công nghệ số hiện hữu mọi nơi: từ làm việc, tương tác cho đến giải trí trực tuyến
Khi các quốc gia thi hành lệnh phong tỏa, công nghệ ảo đã nhanh chóng trở thành phần thiết yếu trong cuộc sống.
Tuy nhiên điều này lại đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Dù có hơn 64% người thích làm việc tại nhà, nhưng chỉ có 58% người tham gia khảo sát sẵn lòng thử nghiệm các công nghệ cao mới như nhà ở bền vững hoặc phương tiện giao thông chạy hoàn toàn bằng điện, những người còn lại có mong muốn giảm thiểu việc sử dụng các thiết bị điện tử trong cuộc sống của họ.
Có 77% người tham gia khảo sát cho biết họ tương tác với bạn bè và gia đình tốt hơn khi gặp trực tiếp so với khi sử dụng công nghệ và các nền tảng trực tuyến. Có đến 7 trên 10 người có xu hướng lựa chọn những sở thích giúp họ giảm thời gian tương tác với các thiết bị điện tử. Trong khi đó, 75% khác nhấn mạnh rằng nhìn vào màn hình quá lâu là một vấn đề cần được quan tâm vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Lạc quan đi cùng lo sợ, những tâm lý phổ biến khi tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI)
Một tương lai sống-cùng-AI đã và đang trở thành hiện thực. 63% dân số toàn cầu tin rằng các nâng cấp tiên tiến nhất của AI như xe không người lái sẽ trở thành một phần của cuộc sống trong 10 năm tới. Bên cạnh đó, 55% cũng sẵn lòng di chuyển bằng một chiếc ô tô tự lái.
Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo cũng đang nhận sự quan tâm lớn từ phía chính phủ. Với mục tiêu mang trí tuệ nhân tạo Việt Nam tiến vào Top 4 trong khu vực ASEAN và Top 50 trên thế giới, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về AI với thời hạn kéo dài đến năm 2030.
Mục tiêu chính của chiến lược là xây dựng 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín, đồng thời phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao cấp quốc gia. Thông qua sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, chính quyền muốn nâng cao hiệu suất của các khu vực công, trong đó có các dịch vụ công trực truyến và quản lý nhà nước. Nhờ các tính năng nổi trội và dữ liệu lớn, các công việc sẽ được hoàn thành trong thời gian ngắn với hiệu suất cao hơn trước đây.
Phát triển bền vững không chỉ là nhu cầu, đây là kỳ vọng
Khi nói đến phát triển bền vững, chúng ta đều mong đợi các doanh nghiệp “nói đi đôi với làm”. 75% người tham gia khảo sát toàn cầu mong đợi nhận được hành động thiết thực và minh bạch của những thương hiệu có các tuyên bố về phát triển bền vững. Chúng tôi cũng tin rằng các doanh nghiệp nên phát triển theo hướng xanh và bền vững thay vì dùng những xu hướng này làm bàn đạp cho việc tiếp thị.
Việt Nam đang hướng đến việc hoàn thiện 17 Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững và 115 mục tiêu khác cho đến năm 2030, nhưng liệu tốc độ này đã đủ nhanh chưa? Trên thế giới, hầu hết mọi người (73%) sẵn lòng sống trong các ngôi nhà bền vững, nhưng đa số lại không tin rằng xã hội sẽ ưu tiên hình thức sống này trong tương lai gần. Trên thực tế, 40% cảm thấy rằng trong 10 năm tới, năng lượng tái tạo sẽ không đóng vai trò quan trọng trong thành phố họ sinh sống.
Có thể thấy, sự chậm trễ này cũng diễn ra trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương khi các quốc gia có những cấp độ thực hiện quy trình khác nhau. Theo ông Kaveh Zahedi, Phó Tổng Thư ký của Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương (ESCAP), tốc độ thay đổi nhìn chung là “quá chậm”.
Chính vì vậy, các cơ quan chính phủ cần tìm phương án nhanh hơn để triển khai các chính sách và hành động xanh.
Con đường phía trước
Dù mang đến ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực, đại dịch đã thay đổi lối sống thường nhật. Từ cách chúng ta tương tác cho đến cách chúng ta làm việc, tất cả đều có sự thay đổi. Chúng ta cần phải dần thay đổi hoặc hình dung lại các hệ thống và quy trình để chúng trở nên linh hoạt, thuận tiện và đa dạng hơn.
Trạng thái bình thường mới này tạo ra không ít thách thức, nhưng đồng thời mang đến cơ hội mới cho các cải tiến trong khoa học, công nghệ và thiết kế để hỗ trợ đường hướng phát triển khác trong tương lai. Các cơ quan chính phủ, đối tác doanh nghiệp và cổ đông khác sẽ phải hành động nhanh chóng để thích ứng với những thay đổi này và tìm ra những phương án phù hợp để áp dụng vào xu hướng mới này.
Phạm Lê