- Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực thi pháp luật hiện hành về công nghệ thông tin…
Tại Nghị quyết số 13/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 01/2022, Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số trên cơ sở đánh giá, tổng kết việc thực thi pháp luật hiện hành về công nghệ thông tin để thúc đẩy phát triển, sáng tạo và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ số, phát triển kinh tế số.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện các chính sách cụ thể theo hướng làm rõ phạm vi điều chỉnh và mối quan hệ của Luật này với Luật Công nghệ thông tin hiện hành để tránh trùng lặp, chồng chéo, các chính sách mới cần giải quyết được các vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn;
Hoàn thiện chính sách để phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo hướng quy định khung khổ pháp lý, thẩm quyền và nguyên tắc chính sách để phát triển lĩnh vực này, các quy định cụ thể do Chính phủ và các bộ, ngành quy định để điều chỉnh các vấn đề thực tiễn phát sinh;
Hoàn thiện chính sách bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng quy định các nguyên tắc, chính sách chung, những vấn đề đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ, thực hiện ổn định trong thời gian dài; đối với các vấn đề mới, giải pháp có tính chất điều hành, quản lý thường xuyên nên giao Chính phủ và các bộ, ngành quy định để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.
Tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động để tạo sự đồng thuận cao.
Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định trước khi gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, thay thế nội dung phát triển công nghệ thông tin (CNTT) trong Luật CNTT số 67/2006/QH11.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, nội dung về phát triển công nghệ số, công nghiệp công nghệ số đã được định hướng thông qua nhiều văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước, điển hình như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nhiệm vụ hoàn thiện khung pháp lý là “Bảo đảm môi trường pháp lý cho phép thử nghiệm, chấp nhận cái mới và chấp nhận thay đổi. Hình thành không gian thí điểm dịch vụ số và xây dựng khung pháp lý cho phép thử nghiệm các dịch vụ số chưa được quy định bởi pháp luật”.
Về cơ sở thực tiễn: Thực thi pháp luật về công nghiệp CNTT và các Chương trình, Kế hoạch phát triển, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2020 đạt 123,5 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015-2020 đạt bình quân 15,2%/năm, cao hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP, trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, quy mô lớn nhất của cả nước.
Bên cạnh các kết quả đạt được, sự phát triển nhanh chóng của ngành thời gian qua cũng phát sinh những tồn tại bất cập trong hệ thống pháp luật về công nghiệp CNTT.
Do vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số tạo khung pháp lý tổng thể về công nghiệp công nghệ số để tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của công nghiệp công nghệ số theo chủ trương, định hướng của Đảng và thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại các chiến lược, chương trình là cần thiết.
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định mới, cập nhật, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành nhằm tạo các điều kiện bảo đảm tốt nhất cho phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, khắc phục được các bất cập trong các biện pháp bảo đảm phát triển công nghiệp CNTT trước đây, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của công nghệ số. Cụ thể:
Về tạo thị trường cho công nghiệp công nghệ số/Make in Viet Nam/Thương hiệu ngành: Bổ sung các quy định về mua sắm, đầu tư, thuê sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước; tiêu chí xác định “Make in Viet Nam”; xây dựng và sử dụng thương hiệu ngành công nghiệp công nghệ số;…
Về phát triển nguồn nhân lực công nghệ số: Nghiên cứu đề xuất Khung kỹ năng công nghệ số quốc gia; tạo cơ chế đào tạo thực tế tại doanh nghiệp; công nhận tương đương giữa kết quả thực tập/làm việc/tham gia các dự án phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại doanh nghiệp với tín chỉ trong chương trình đào tạo công nghệ số của cơ sở đào tạo; quy định trách nhiệm, điều kiện ưu đãi, truyền thông đối với các doanh nghiệp tham gia đào tạo; chính sách thu hút nhân lực công nghệ số xuất sắc trong nước và nước ngoài,...
Về vốn, đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số: Xây dựng quy định nguyên tắc về mức bảo đảm chi cho công nghệ số trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm, mục chi riêng trong mục lục ngân sách nhà nước; quy định các hoạt động, đối tượng trong công nghiệp công nghệ số được hưởng ưu đãi; hình thành các quỹ (phát triển công nghiệp công nghệ số; Đầu tư mạo hiểm cho công nghệ số; Đầu tư cho công nghệ số của doanh nghiệp); xây dựng cơ chế hoạt động gọi vốn cộng đồng cho doanh nghiệp công nghệ số,...
Về chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam: Quy định một số chính sách ưu tiên, ưu đãi như ưu tiên trong mua sắm của cơ quan nhà nước; chính phủ hỗ trợ, đặt hàng nghiên cứu phát triển, làm chủ các sản phẩm, công nghệ lõi, then chốt, lưỡng dụng; chứng nhận về chất lượng; hỗ trợ, tạo điều kiện thương mại hoá kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, kết nối với thị trường tiềm năng trong và ngoài nước; giảm thuế;…
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất một số chính sách chính khác gồm: Chính sách về kết cấu hạ tầng công nghiệp công nghệ số, Chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, chính sách về hình thành được hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số…