- Tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ 3 với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" vừa diễn ra ngày hôm nay, 11/12 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, vai trò của chuyển đổi số là phục vụ nhân dân, lấy người dân làm trọng tâm. Theo Thủ tướng, trong quá trình chuyển đổi số, các ngành đã vào cuộc. Điều này thiết thực với cuộc sống, phù hợp với tình hình, đòi hỏi của đất nước, có lợi với người dân. Quá trình góp phần làm cho đất nước hùng cường.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, không thực hiện thì không phát triển. Nếu đất nước làm được điều này thì phục vụ cho sự phát triển chung. Chuyển đổi số là xu thế của toàn cầu, không phải mình Việt Nam thực hiện. Vì vậy, đất nước cần có cách tiếp cận toàn cầu, không thể làm một mình. Chúng ta phải có sự đoàn kết, hợp tác, học hỏi.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021 |
Trong quá trình chuyển đổi, chúng ta vẫn phải tự lực, tự cường để vươn lên. Lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá. Việc thực hiện chuyển đổi số phải tránh hai khuynh hướng “cầu toàn, nóng vội". Thủ tướng cho biết thêm, điều nào chưa rõ thì doanh nghiệp làm thí điểm, rút kinh nghiệm dần. Quá trình cần tăng cường lãnh đạo của các cấp, ngành. Lãnh đạo vạch ra đường lối, chủ trương, chương trình kế hoạch, lấy thực tiễn làm thước đo, đồng thời nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số phải tham gia vào việc phát triển cả chiều rộng, chiều sâu và phát triển bền vững. Trong đó, chuyển đổi số phải tham gia vào phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; góp phần vào thích ứng, chống biến đổi khí hậu; khắc phục sự cạn kiệt tài nguyên; góp phần vào chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng xanh, năng lượng sạch; phục vụ chuyển đổi phương thức làm việc, giáo dục, đào tạo; khắc phục sự già hóa dân số; xây dựng cơ sơ dữ liệu liên quan đến giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử, đất nước, con người Việt Nam; thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, cơ sở dữ liệu quản lý, khai thác đất đai, logistics... với mục tiêu lớn nhất là phục vụ cho cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng thịnh vượng, hùng cường.
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành và doanh nghiệp để phát triển công nghệ số thì phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về chuyển đổi số; nâng cao nhận thức toàn diện và sâu sắc về chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế về chuyển đổi số; tăng cường sự quản lý của Nhà nước và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên cơ sở tôn trọng, hiểu biết, lắng nghe và thấu hiểu, tích cực, chủ động; phát triển nguồn nhân lực số và tài chính số; chuyển đổi số dựa trên sự đổi mới, sáng tạo số, song phải bám sát thực tiễn; phát triển hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu và công tác quản trị số...
Phát biểu đáp từ khép lại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, sự kiện ngày hôm nay thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với tự cường Việt Nam, đối với cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với tinh thần Make in Vietnam. "Rất nhiều chia sẻ của Thủ tướng về những nỗi đau của đất nước, như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hậu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế. Đó chính là động lực để người Việt Nam, 'anh em chúng ta' - giới công nghệ giải quyết những nỗi đau đó, đưa Việt Nam hùng cường thịnh vượng, hoà bình lâu dài", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Chúng tôi xin nhận những nhiệm vụ, dùng công nghệ số, giải pháp số và trí tuệ Việt Nam, sự đổi mới sáng tạo Việt Nam để giải quyết những bài toán đó. Chúng tôi luôn luôn có niềm tin rằng công nghệ số giải được nhiều, rất nhiều bài toán khó, kéo dài với nhân loại và Việt Nam. Còn bây giờ là lúc hành động, hành động nhanh và hiệu quả", Bộ trưởng phát biểu.
Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2021 với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế" là sự kiện lớn của ngành nhằm tổng quan, đánh giá kết quả sau hơn một năm cộng đồng công nghệ số đồng lòng, chung sức thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chị thị số 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đồng thời định hướng cho sự phát triển trong giai đoạn tới, đặc biệt là năm 2022.
Chương trình Diễn đàn bao gồm 02 phiên. Trong đó, phiên chính bàn về các bài toán chuyển đối số mà Chính phủ đặt trọng tâm thực hiện vào năm 2022 để làm nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số - xã hội số. Cũng tại diễn đàn, các diễn giả và đại biểu sẽ trình bày, trao đổi, thảo luận về vai trò và phương thức các doanh nghiệp công nghệ số tham gia giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển sau đại dịch. Đây là những bài toán, nhiệm vụ trọng tâm cần được các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đảm nhận và triển khai.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao giải thưởng cho những doanh nghiệp đạt giải Vàng. Bộ thiết bị Mesh Wifi 5/6 Access Point và Hệ thống quản lý ONE Mesh của Tập đoàn VNPT đã vinh dự nhận giải Vàng thuộc hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc. |
Bộ thiết bị Mesh Wifi 5/6 Access Point và Hệ thống quản lý ONE Mesh của Tập đoàn VNPT đã vinh dự nhận giải Vàng thuộc hạng mục Sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Cùng với đó, Trung tâm điều hành thông minh IOC của VNPT cũng đã vinh dự giành giải Bạc hạng mục Giải thưởng Sản phẩm số xuất sắc.
Các sản phẩm của Tập đoàn VNPT vinh dự giành giải Vàng và Bạc không chỉ thỏa mãn 02 nhóm tiêu chí chính, đó là thiết kế, sáng tạo tại Việt Nam và có giá trị thực tế, trong nhóm tiêu chí “Giá trị thực tế”, cơ cấu điểm liên quan đến doanh thu, số lượng người dùng chiếm khoảng 70% số điểm mà còn là những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
Đây chính là hạt nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, chắp cánh cho khát vọng xây dựng Việt Nam trở thành một Quốc gia số hùng cường, góp phần thực hiện sứ mệnh đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển, nền kinh tế Việt Nam bứt phá, phát triển nhanh, bền vững.
PV