- Từ ngày 9/3/2021, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ví điện tử, doanh nghiệp viễn thông có thể xin phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile-Money. Thời gian thí điểm dịch vụ sẽ kéo dài trong hai năm...
Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) vừa được ban hành, Thủ tướng đồng ý cho các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần vô tuyến điện hoặc các công ty con (được công ty mẹ cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông) được phép tham gia thí điểm. Quyết định cho phép triển khai thí điểm Mobile-Money có hiệu lực từ ngày ký, 9/3/2021.
Các doanh nghiệp này được cung cấp dịch vụ đến các khách hàng có Chứng minh thư nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được doanh nghiệp thí điểm định danh, xác thực theo quy định. Các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Quyết định nêu rõ: “Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile-Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện”.
Dịch vụ Mobile-Money sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc, tuy nhiên, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải ưu tiên triển khai dịch vụ Mobile-Money tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp chỉ được cung ứng các dịch vụ Mobile - Money để chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp tại Việt Nam theo quy định hiện hành để phục vụ nhu cầu cuộc sống người dân. Dịch vụ Mobile-Money chỉ áp dụng với các giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Ảnh minh họa |
Cũng theo quyết định của Thủ tướng, doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng dịch vụ Mobile - Money được sử dụng để nạp tiền mặt vào tài khoản Mobile - Money tại các điểm kinh doanh, nạp tiền vào tài khoản Mobile-Money từ tài khoản thanh toán tại ngân hàng hoạt ví điện tử của khách hàng; Rút tiền mặt từ tài khoản Mobile - Money tại các điểm kinh doanh, rút tiền từ tài khoản Mobile-Money về tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử.
Hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile-Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán…
VNPT đã sẵn sàng triển khai Mobile-Money
Được biết, ở thời điểm này, các doanh nghiệp viễn thông lớn của Việt Nam là VNPT, Viettel và MobiFone đều đã sẵn sàng triển khai Mobile-Money. Là một trong số những doanh nghiệp viễn thông lớn mong muốn được sớm triển khai dịch vụ, VNPT cũng mong muốn có thể hợp tác với các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính... xây dựng nên một hệ sinh thái Mobile-Money.
Với Mobile-Money, có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển...
Lợi thế lớn của VNPT trong “cuộc đua” cung cấp dịch vụ Mobile-Money là đã xây dựng được hệ sinh thái tài chính số. VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. VNPT cũng đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate…
VNPT cũng đang hướng tới triển khai Cổng thanh toán dịch vụ công (Payment Connect) nhằm cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán (ngân hàng, cổng trung gian thanh toán…). Đây là nền tảng để VNPT tự tin tham gia triển khai dịch vụ Mobile-Money khi được cấp phép cung cấp thử nghiệm.
Phạm Lê