- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong năm nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang xin ý kiến các cơ quan và chắc là năm nay sẽ ký được là chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Lần đầu tiên Việt Nam có một chiến lược để đảm bảo sự xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ.
Đột phá dịch vụ công trực tuyến bằng công nghệ số
Liên quan đến dịch vụ công trực tuyến, trao đổi với các ĐBQH sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT đã có cách làm đột phá là sử dụng công nghệ số và phát triển Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến dựa trên các nền tảng.
“Cách làm là làm đồng loạt tất cả các dịch vụ công lên trực tuyến cùng một lúc chứ không làm dần từng dịch vụ một, cũng không làm từ mức độ 3 đến mức độ 4 mà làm thẳng mức độ 4 luôn. Hiện nay công nghệ cho phép nàm điều đó” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, với cách làm mới này, 2 Bộ đạt 100% đầu tiên thí điểm là Bộ Y tế và Bộ TT&TT. Vừa qua Bộ cũng thực hiện thí điểm một tỉnh là Bến Tre. “Lúc chúng tôi vào Bến Tre thì Bến Tre mới có 6% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Sau khi làm theo cách mới, sau đúng 3 tháng thì hiện nay Bến Tre 100% dịch vụ công mức độ 4. Chúng tôi sẽ cho triển khai diện rộng mô hình này” - Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, làm dịch vụ công trực tuyến khó nhất là kết nối, kết nối xã với huyện, huyện với tỉnh và tỉnh với Trung ương. Rất nhiều tỉnh thiếu trục kết nối, thủ tục đầu tư thì chậm. Do đó, Bộ TT&TT đã có một sáng kiến là xây dựng một nền tảng trục kết nối để cho các tỉnh dùng nền tảng đó như một dịch vụ. “Tức là chỉ trong vòng 1 tuần, chúng tôi sẽ cung cấp trục đó cho các tỉnh. Như vậy, nếu như tỉnh chưa kịp đầu tư thì dùng ngay trục của Bộ” - ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng |
Một vấn đề khó nữa của dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là thanh toán. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu để một tỉnh thanh toán được thì phải ký với 40 ngân hàng, rất mất công, mất sức. Do vậy, Bộ đã hình thành một hỗ trợ thanh toán trực tuyến.
“Tức là các tỉnh hiện nay chỉ cần nối với Paypost của Bộ là có thể kết nối được với tất cả các ngân hàng. Đặc biệt, Bộ TT&TT đã lôi kéo các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam vào cuộc. Với cách làm trên, đến giờ phút này tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 25% và đang tăng với tốc độ rất cao. Chúng tôi hoàn toàn tin rằng hết năm nay chắc chắn trên 30%” - Bộ trưởng khẳng định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, với cách làm này, Bộ TT&TT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, năm 2021 kết thúc dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 100%. “Chúng tôi thấy bài học ở đây là chọn mục tiêu cao và chọn việc khó thì lại dễ làm hơn, vì khi đó chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Nếu mục tiêu thấp, việc dễ mà làm theo cách cũ thì có khi lại khó làm, có khi lại không làm được” - Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.
Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số
Về câu hỏi Chính phủ điện tử và Chính phủ số khác nhau như thế nào, Bộ trưởng giải thích: Chính phủ điện tử là tin học hóa các quy trình đã có. Còn Chính phủ số là cung cấp các dịch vụ mới theo nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt chú ý dịch vụ mới. Chính phủ điện tử tập trung vào dịch vụ công trực tuyến, tức là những dịch vụ công mà chúng ta đã cung cấp rất nhiều năm nay. Chính phủ số chuyển mọi hoạt động của Chính phủ trên môi trường số và hoạt động dựa nhiều trên dữ liệu và cung cấp thêm các dịch vụ mới.
Chính phủ điện tử thì chủ yếu sử dụng công nghệ thông tin. Còn Chính phủ số thì sử dụng công nghệ số, nhất là các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Khác biệt cốt lõi của Chính phủ số, đó là sử dụng dữ liệu để ra quyết định và coi dữ liệu như là một loại tài nguyên mới, đó là chuyển đổi về cách thức ra quyết định của cơ quan chính quyền dựa trên các báo cáo bản giấy sang dựa trên dữ liệu phân tích, định lượng và tổng hợp từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau. Đó là sự kết nối và chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước để người dân chỉ cần cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước. Các doanh nghiệp cộng đồng có thể sử dụng dữ liệu này để cung cấp thêm các dịch vụ mới.
Thời gian qua, Bộ TT&TT đã triển khai đồng bộ để thúc đẩy Chính phủ số. Về mặt pháp lý đã ban hành được nghị quyết về mở dữ liệu và kết nối dữ liệu. Về mặt dữ liệu thì hiện nay các cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng, đã xong được 4/6 cái, còn 2 cái là dữ liệu về dân cư thì đến tháng 2 sẽ ấn nút khai trương và tháng 7/2021 sẽ hoàn thiện. Đối với cơ sở dữ liệu về đất đai trong năm nay sẽ xong nền tảng để bắt đầu từ 2021 là bắt đầu nhập liệu.
Về nền tảng kết nối trục liên thông thì trục quốc gia đã hoàn thành và trục kết nối của các tỉnh và cấp bộ cơ bản năm nay sẽ là 100%. Bộ cũng đã khai trương một cổng rất quan trọng là data.gov.vn, các dữ liệu của quốc gia sẽ được mở thông qua cổng này. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một quyết định về lộ trình mở dữ liệu và Việt Nam cũng là một trong nước rất sớm thực hiện việc này.
“Trong năm nay, Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang xin ý kiến các cơ quan và chắc là năm nay sẽ ký được là chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Lần đầu tiên Việt Nam chúng ta có một chiến lược để đảm bảo sự xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ” - Bộ trưởng cho hay.