- Không chỉ bị tẩy chay, thậm chí khởi kiện vì lan truyền video tự sát, nếu tìm hiểu, TikTok còn có nhiều trào lưu có hại khác ảnh hưởng tới người dùng và cộng đồng. Từ vị thế là mạng xã hội có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, giờ đây, TikTok phải đối mặt với nguy cơ bị cấm sử dụng ở nhiều nơi…
Tuần qua, giới truyền thông đã đăng tải thông tin nhiều bậc phụ huynh tại Australia cho biết đang liên hệ luật sư để tìm hiểu cách họ có thể thực hiện hành động pháp lý chống lại TikTok và những gã khổng lồ truyền thông xã hội sau khi cho phép một video bạo lực lưu hành.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã lên tiếng yêu cầu các công ty truyền thông xã hội chú ý đến video "đáng hổ thẹn" này. Ông cho biết chính phủ sẽ hành động nếu những "gã khổng lồ" không gỡ bỏ video và dọn dẹp trang web của mình.
Lisa Flynn, giám đốc công ty luật Shine Lawyers, cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu khiếu kiện dân sự và đang trong quá trình điều tra. “Bất kỳ ai bị tổn hại bởi nội dung đau buồn trên đều có thể thực hiện hành động dân sự chống lại các nền tảng xã hội bởi việc thất bại trong khâu kiểm duyệt", bà nói.
Đây không phải lần đầu tiên các trào lưu trên TikTok hứng chịu “gạch đá” vì nội dung không phù hợp. Thậm chí, nhiều clip còn bị coi là tiềm ẩn nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người quay, theo CNN. Trong tháng 8/2020, nhiều tờ báo đã đăng tải vụ việc ba thiếu niên sống tại bang Texas (Mỹ) đã suýt mất mạng khi thực hiện theo một thử thách được lan truyền trên mạng xã hội TikTok.
Một đoạn video được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên TikTok với tên gọi “thử thách Benadryl”, mà những người tham gia sẽ phải uống hàng chục viên thuốc Benadryl một lúc. Theo những video được chia sẻ trên TikTok, việc uống Benadryl quá liều có thể mang lại cảm giác phấn khích, “lâng lâng khó tả”, thậm chí có thể tạo ra ảo giác như sử dụng ma túy đá. Benadryl là một loại thuốc chống dị ứng có thể dễ dàng mua được ở các quầy thuốc.
Vào tháng 7/2020, trào lưu quay video “đóng giả làm nạn nhân của thảm họa diệt chủng Holocaust” trên nền tảng TikTok cũng là chủ đề khiến cộng đồng mạng thế giới phẫn nộ. Holocaust là tên gọi của cuộc tàn sát chủng tộc đối với 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở châu Âu, Bắc Phi trong Thế chiến II do phát xít Đức và các nước cùng phe gây ra.
Trong video, người quay trang điểm mô phỏng các vết bỏng hoặc vết bầm tím, nói rằng họ chết trong những trại tập trung do Đức Quốc xã lập nên. Ở các clip khác, một số người giới thiệu với người xem họ là người Do Thái thiệt mạng trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Ngoài ra, người quay còn đeo một ngôi sao màu vàng trước ngực, giống như người Do Thái từng bị ép buộc phải đeo, hoặc mặc áo sơ mi sọc, bắt chước trang phục tù nhân mặc trong chiến tranh thế giới thứ 2. Một số còn sử dụng phông nền đằng sau là hình ảnh của trại tập trung Auschwitz. Trại tập trung Auschiwitz nằm tại Ba Lan, được biết đến là nơi đông người Do Thái bị tra tấn dã man và bỏ mạng nhiều nhất dưới bàn tay của Đức Quốc xã.
Các video được gắn hashtag #Holocaust nhận về hàng nghìn lượt xem trên ứng dụng TikTok. Trong video, người quay giả vờ đang ở trên thiên đường, trò chuyện với người xem và trả lời các câu hỏi như “Tại sao bạn qua đời?”, “Tại sao bạn lại bị thương tích nhiều như vậy?”. Các clip này từ khi xuất hiện đã gây ra làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội.
Bên cạnh những “trào lưu” có hại, ByteDance - chủ quản của TikTok còn phải đối mặt với một vấn nạn khác đó là tràn lan của các nội dung khiêu dâm, ấu dâm trên TikTok. Lý do dẫn đến sự tràn lan này là vì những nội dung mang tính khiêu dâm thường thu hút phần đông người dùng, hơn hẳn những nhóm nội dung giải trí khác.
Tiktok đang gặp bất lực trong việc kiểm soát các nội dung khiêu dâm, ấu dâm. Ảnh: Getty. |
Do phần lớn người dùng của các ứng dụng này thuộc nhóm dưới tuổi vị thành niên, nên các em chưa có đủ độ chín chắn và ý thức về những nguy hiểm tiềm tàng khi đăng tải những video và hình ảnh trong những trang phục hở hang, thiếu vải của mình, nhằm thú hút nhiều lượt xem của các người dùng khác. Các em dễ trở thành mục tiêu của những kẻ ấu dâm háo sắc, có ý đồ xấu trên mạng xã hội.
Đã có rất nhiều những kênh cá nhân trên YouTube đăng tải và bóc mẽ những nội dung thiếu lành mạnh được lan truyền trên các ứng dụng như Musical.ly và TikTok của ByteDance. Tất nhiên vào thời gian đầu, phía ByteDance liên tục đệ đơn khiếu nại những kênh cá nhân này, ép họ phải tháo gỡ những video bóc mẽ này xuống, nhưng cuối cùng ByteDance cũng không thể chiến thắng làn sóng dư luận.
Theo một con số thống kê, có hàng trăm trào lưu nguy hiểm khác vẫn đang tồn tại trên TikTok. Và điều đáng lưu tâm, lo ngại hơn cả là 60% người dùng của ứng dụng này đều là người trẻ, trong độ tuổi vị thành niên, từ 16 đến 24 tuổi.
Phạm Lê (tổng hợp)