- Thông tin về cuộc điều trần của bộ tứ công nghệ Facebook, Amazon, Apple và Google trước Tiểu ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về Chống độc quyền; Lễ ra mắt Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee - một trong những nền tảng số “Make in Vietnam” được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn; VNPT đã là doanh nghiệp ICT đầu tiên công bố chương trình hỗ trợ đặc biệt chung tay với Đà Nẵng chống dịch Covid-19… là những sự kiện ICT thế giới và trong nước nổi bật nhất tuần qua (từ ngày 27/7 đến 2/8).
Bộ tứ CEO công nghệ điều trần trước Hạ viện Mỹ
Mọi con mắt đã dồn về cuộc điều trần diễn ở Capitol Hill để chờ xem liệu Quốc hội Mỹ có tập trung vào mục tiêu chính là xác định liệu 4 trong số những tập đoàn công nghệ lớn nhất thời đại chúng ta hiện nay - Facebook, Amazon, Apple và Google có đang vi phạm luật chống độc quyền hay không. Phiên điều trần đánh dấu lần đầu tiên các nghị sĩ Mỹ có cơ hội chất vấn CEO của 4 tập đoàn công nghệ quyền lực cùng lúc. Chủ đề của phiên điều trần là về chống độc quyền. Nó diễn ra sau hơn một năm diễn ra cuộc điều tra của Tiểu Ủy ban Tư pháp Hạ viện về tình trạng thống trị thị trường của “Bộ Tứ Công nghệ” quyền lực. Vào thời điểm đó, tiểu ủy ban đã thu thập được hơn 1,3 triệu tài liệu từ các tập đoàn công nghệ lớn, các đối thủ và các cơ quan thực thi luật chống độc quyền để phục vụ công tác điều tra.
![]() |
Tuy nhiên, xem ra, mọi hy vọng về việc cuộc điều trần trước Tiểu ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ về Chống độc quyền sẽ tập trung vào nội dung chính là chống độc quyền đã nhanh chóng tan biến. Bởi chỉ vài phút sau khi cuộc điều trần bắt đầu người ta đã thấy rõ các nghị sĩ Mỹ không có ý định tập trung vào vấn đề chống độc quyền mà thay vào đó họ dành thời gian để đặt ra những câu hỏi mà cá nhân họ muốn nhận được câu trả lời từ 4 gã công nghệ khổng lồ của thế giới.
Bắt nghi phạm 17 tuổi tấn công Twitter của Barack Obama, Bill Gates, Tesla để lừa đảo
Theo nguồn tin được đăng tải trên ICTnews hôm 1/8, Graham Ivan Clark đã bị bắt hôm thứ Sáu tại nhà riêng ở Greater Northdale, theo Văn phòng Chưởng lý bang Hillsborough. Nguồn tin từ Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tại California cho biết, hai đồng phạm khác là Nima Fazeli 22 tuổi ở Orlando và Mason Sheppard 19 tuổi (quốc tịch Anh). Clark phải đối mặt với cáo buộc của tiểu bang và sẽ bị xét xử tại Hạt Hillsborough vì là người chưa thành niên.
![]() |
Nghi phạm 17 tuổi bị bắt vì tấn công Twitter của hàng loạt chính trị gia và người nổi tiếng. Ảnh ICTnews |
Kế hoạch của Clark là đánh cắp danh tính của những người nổi tiếng, sau đó gửi thông tin yêu cầu nạn nhân gửi Bitcoin đến các tài khoản mà anh này sở hữu. Vụ hack khiến các tài khoản Twitter của Barack Obama, Joe Biden, Mike Bloomberg, Jeff Bezos, Bill Gates,Elon Musk... đã đăng một tweet giả vào ngày 15 tháng 7. Những Twitter giả mạo này nói rằng cứ 1.000 USD được gửi đến một địa chỉ Bitcoin ẩn danh, họ sẽ nhận lại 2.000 USD. Sau đó, nghi phạm đã nhận được hơn 400 lần chuyển tiền với số tiền lên tới 100.000 USD quy đổi Bitcoin chỉ trong một ngày.
Mã nguồn của hơn 50 công ty công nghệ hàng đầu thế giới bị rò rỉ
Việc mất quyền kiểm soát mã nguồn trên Internet cũng giống như trao thiết kế ngân hàng cho một tên trộm. Sự cố mã nguồn của 50 công ty bao gồm Microsoft, Adobe, Lenovo, AMD, Qualcomm, MediaTek, General Electric, Nintendo, Disney và Huawei HiSilicon… bị rò rỉ đang trở thành tâm điểm vào ngày 29/7.
Các mã nguồn này được thu thập bởi nhà phát triển/kỹ sư Tillie Kottmann và công khai trong kho lưu trữ trên GitLab. Chúng được đánh dấu “Bí mật” (bí mật hàng đầu) và “Bảo mật và quyền sở hữu” (bí mật và độc quyền). Theo thông tin được cung cấp bởi nhà nghiên cứu bảo mật Bank Security, kho lưu trữ chứa mã nguồn của hơn 50 công ty, một số thư mục trống và một số có thông tin được mã hóa cứng, một cách để tạo backtime.
Ngoài ra, nhà phát triển Tillie Kottmann cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ông đã rút mã nguồn vì sự lộ thông tin độc quyền của công ty do các ứng dụng DevOps không an toàn.Liên quan đến các sự cố trên, nhiều chuyên gia bảo mật cho biết, việc mất quyền kiểm soát mã nguồn trên Internet cũng giống như trao thiết kế ngân hàng cho một tên trộm.
VNPT hỗ trợ cước data chung tay cùng Đà Nẵng chống dịch
Ngày 31/7, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT đã là doanh nghiệp ICT đầu tiên công bố chương trình hỗ trợ đặc biệt dành tặng cho các cán bộ, nhân viên y tế và người dân thành phố Đà Nẵng. Đây là hành động thiết thực của VNPT cùng với cả nước hướng về Đà Nẵng cùng tiếp sức “chiến đấu” với dịch Covid-19.
Theo đó, VNPT sẽ hỗ trợ gói cước data với lưu lượng lên đến 30GB (1GB/ngày trong 30 ngày) cho lực lượng phòng chống dịch như công an, dân phòng, cán bộ UBND các cấp; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế tại 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng và toàn bộ người dân, du khách tại các khu cách ly tập trung cho người Việt Nam và người nước ngoài tại Đà Nẵng.
Hiện VNPT đang gấp rút thực hiện các thủ tục cũng như cập nhật danh sách khách hàng thuộc các đối tượng được hỗ trợ cước và nhắn tin thông báo đến từng thuê bao. Cùng với đó, trong ngày 30/7 toàn bộ cán bộ công nhân viên của VNPT thay avatar với thông điệp “Việt Nam quyết tâm đẩy lùi Covid” với hình ảnh Cầu Rồng thay lời động viên tinh thần người Đà Nẵng vững tin vượt qua đại dịch.
Giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2018 được chọn là nền tảng số Make in Việt Nam
Trong tuần qua, ngày 31/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt Nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee. Đây là một trong chuỗi sự kiện giới thiệu các nền tảng số “Make in Vietnam” nhằm thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
![]() |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại lễ ra mắt nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee |
Từng nhận giải Nhì Nhân tài Đất Việt 2018, nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn là một trong những nền tảng số Make in Việt Nam. Phát biểu tại Lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhận định, nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee cho phép các doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile (hoặc website) của mình mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba (như Zalo, Skype, Messenger) cũng như không phải đầu tư xây dựng riêng một ứng dụng có các tính năng giao tiếp.
Thứ trưởng cho hay, Stringee hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể cung cấp đầy đủ tính năng hạ tầng, tính năng tương đương với các giải pháp từ nước ngoài với chi phí hợp lý hơn. Là doanh nghiệp Việt Nam, Stringee hiểu thị trường hơn, hiểu khách hàng Việt Nam hơn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng, những tính năng của Stringee không chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp mà nên áp dụng cho các cơ quan nhà nước.
Phạm Lê