- Những động thái cho thấy TikTok đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất của mình tại Mỹ khi công ty công nghệ Trung Quốc - ByteDance yêu cầu các kỹ sư của mình chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, có thể đóng cửa hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ khi cần…
Reuters dẫn nguồn tin thân cận cho biết mặc dù đang cố gắng đàm phán với các công ty Mỹ, ByteDance - công ty mẹ của TikTok vẫn chuẩn bị phương án dự phòng cho việc đóng cửa ứng dụng tại Mỹ. ByteDance cũng lên kế hoạch cho các nhân viên và nhà cung cấp của TikTok Mỹ những khoản bồi thường trong trường hợp ứng dụng ngừng hoạt động.
Nguồn tin của Reuters nói công ty đã ngừng tuyển dụng ở Mỹ với hầu hết các vị trí vì không chắc chắn ứng dụng có hoạt động trở lại sau hạn chót mà Tổng thống Trump ấn định hay không. ByteDance coi việc đóng cửa ứng dụng là kế hoạch dự phòng trong khi vẫn nỗ lực tìm kiếm một thoả thuận để đảm bảo hoạt động của TikTok Mỹ không bị gián đoạn. Trước đó, người phát ngôn của công ty nói: "Chúng tôi tự tin rằng TikTok sẽ đạt được một giải pháp để đảm bảo ứng dụng sẽ có mặt để phục vụ hàng triệu người Mỹ".
Ứng dụng video ngắn của Bytedance, TikTok đã trở thành mục tiêu tấn công của chính quyền Mỹ. |
Khó khăn bủa vây CEO ByteDance
Những ngày đầu tháng 8, Zhang Yiming - nhà sáng lập kiêm CEO ByteDance đã phải đón nhận "mưa gạch đá" từ người dùng Internet Trung Quốc. Những chỉ trích dành cho Zhang Yiming khi một bức thư nội bộ được cho là của CEO này gửi cho nhân viên được phán tán trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội tại Trung Quốc. Trong bức thư, Zhang Yiming xác nhận việc ByteDance đang đàm phán với một công ty công nghệ cho một thỏa thuận, qua đó đảm bảo rằng TikTok có thể tiếp tục phục vụ người dùng tại Mỹ.
Những sóng gió mà TikTok gặp phải sau khi Tổng thống Mỹ - ông Trump cho biết lên kế hoạch cấm TikTok, và không ủng hộ việc ByteDance (công ty sở hữu TikTok) bán lại bộ phận TikTok ở Mỹ cho Microsoft. Tuy nhiên sau đó, ông Trump đã thay đổi ý định khi cho ByteDance 45 ngày để đàm phán bán lại nền tảng TikTok cho tập đoàn Microsoft.
Dựa vào một số nguồn tin, theo Reuters, ông Trump đã thay đổi quyết định về việc cấm TikTok sau khi nghe khuyến nghị từ các cố vấn. Tuy nhiên, sự việc đã trở nên khó khăn hơn với mạng xã hội này khi vào ngày 4/8, ông Trump đã tuyên bố TikTok sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ vào ngày 15/9 tới trừ khi Microsoft hay một hãng nào đó của Mỹ có khả năng mua và thực hiện một thỏa thuận.
Nhiều “ông lớn” công nghệ nhóm ngó nhưng vẫn chưa ngã ngũ
Ba ông lớn công nghệ được cho là ứng viên nặng ký nhất “thâu tóm” Tiktok Mỹ là Microsoft, Oracle và Goole. Cho đến nay, Microsoft được coi như ứng cử viên hàng đầu trong việc mua lại TikTok, sau đó đến Oracle cũng đang thể hiện sự quan tâm đến ứng dụng này. Thế nhưng, trong ngày thứ Năm của tuần qua, Walmart công bố sẽ cùng kết hợp với Microsoft để mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ. Như vậy cuộc đua giữa các doanh nghiệp Mỹ để giành được ứng dụng tạo video ngắn này chính thức trở nên căng thẳng hơn, theo tin từ Wall Street Journal.
Còn một ứng viên khác là Google thì khẳng định không có ý định mua lại Tiktok. Giám đốc Điều hành Google Sundar Pichai cho biết công ty này không có ý định mua lại TikTok trong bối cảnh ứng dụng của Trung Quốc đang đối mặt với lệnh cấm từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Và nếu các bên không thể thương lượng được với nhau, kịch bản xấu nhất là TikTok Mỹ sẽ buộc phải đóng cửa theo lệnh cấm của Tổng thống Trump vào ngày 15/9.
Phạm Lê (tổng hợp)