- Mỹ đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc như nền tảng chia sẻ video nổi tiếng TikTok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi đầu tuần đã tuyên bố như vậy với hãng tin Fox News.
Mỹ đang cân nhắc áp đặt lệnh cấm các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc như nền tảng chia sẻ video nổi tiếng TikTok |
“Chúng tôi đang xem xét chuyện này một cách rất nghiêm túc. Chúng tôi chắc chắn sẽ cân nhắc khả năng đó”, Ngoại trưởng Pompeo cho hay. “Liên quan đến những ứng dụng của Trung Quốc trên điện thoại di động của mọi người, Mỹ cũng sẽ chấn chỉnh lại sao cho phù hợp.”
Trong suốt vài năm trở lại đây, giới nghị sĩ Mỹ liên tục bày tỏ nỗi quan ngại ngày càng sâu sắc về việc TikTok xử lý các dữ liệu của người dùng cũng như mối quan hệ của nền tảng này với cơ quan chủ quản là công ty ByteDance có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh cũng như mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc. Giới nghị sĩ Mỹ cáo buộc TikTok có thể bị gây áp lực để buộc phải cung cấp các dữ liệu cũng như thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc.
Phản ứng trước tuyên bố đáng lo ngại về lệnh cấm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo, một phát ngôn viên của TikTok hôm qua (7/7) đã nhấn mạnh: “TikTok được dẫn dắt bởi một CEO người Mỹ với hàng trăm nhân viên và những lãnh đạo then chốt ở khắp các mảng an toàn, an ninh, sản phẩm và chính sách công ở đây - ở nước Mỹ. Chúng tôi không có ưu tiên nào cao hơn là việc tăng cường trải nghiệm ứng dụng an toàn và đảm bảo an ninh cho người dùng. Chúng tôi chưa bao giờ cung cấp các dữ liệu của người dùng cho chính phủ Trung Quốc và chúng tôi cũng sẽ không làm điều đó nếu được yêu cầu.”
Tuần trước, chính phủ Ấn Độ cũng tuyên bố cấm TikTok và các ứng dụng phổ biến khác có liên quan đến Trung Quốc như WeChat với cáo buộc những ứng dụng này “có tham gia vào các hoạt động… gây hại đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ.” TikTok đã đáp trả tuyên bố trên của chính phủ Ấn Độ bằng lời khẳng định: “TikTok tiếp tục tuân thủ nghiêm túc mọi yêu cầu, quy định về an ninh và tính riêng tư theo luật của Ấn Độ và không hề chia sẻ bất kỳ thông tin nào của người dùng ở Ấn Độ với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, bao gồm cả chính phủ Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu ông có gợi ý các công dân Mỹ dùng TikTok hay không, Ngoại trưởng Pompeo đã trả lời: “Chỉ khi nếu bạn muốn các thông tin riêng tư của mình rơi vào tay chính phủ Trung Quốc.”
Diễn biến mới nhất nói trên cho thấy cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung đang ngày càng nóng lên. Trước đó, hồi cuối tháng Sáu, Bộ Tư pháp Mỹ vừa thể hiện sự phản đối mạnh mẽ tuyến cáp quang kéo dài 12.872km của Facebook và Google nối đến Hồng Kông. Như vậy, cuộc chiến trong thế giới ảo giữa Mỹ và Trung Quốc đã lan sang cả vấn đề hạ tầng công nghệ.
Bộ Tư pháp Mỹ phản đối kịch liệt dự án mới nói trên của Facebook và Google với lý do dự án đó là quá mạo hiểm và đem đến “những cơ hội chưa từng có” cho hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc.
Facebook và Google từ năm 2016 bắt đầu tham gia vào một dự án có tên là Mạng cáp quang Thái Bình Dương (Pacific Light) cùng với công ty viễn thông TE SubCom có trụ sở ở New Jersey và công ty Pacific Light Data - một chi nhánh ở Hồng Kông của tập đoàn viễn thông và truyền thông của Trung Quốc - Dr.Peng Telecom & Media. Mạng cáp quang Thái Bình Dương là một dự án đầy tham vọng với mục tiêu xây dựng một tuyến cáp quang rất lớn giúp mở rộng lưu lượng truy cập Internet giữa hai châu lục. Cụ thể, mạng này sẽ kết nối các khu vực Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan và Philippines.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ nghĩ rằng Bắc Kinh có thể tiếp cận đường cáp quang để lấy thông tin tình báo.
Nghe có vẻ kỳ lạ khi giới chức Mỹ lại tỏ ra lo lắng về một mạng lưới cáp quang dưới biển nhưng rõ ràng Washington tin rằng, dự án Mạng cáp quang Thái Bình Dương sẽ trở thành “miếng mồi ngon” cho các hoạt động tình báo của Trung Quốc đặc biệt trong thời điểm quan hệ Mỹ-Trung vốn đã căng thẳng. Trong những năm gần đây, không chỉ Mỹ mà phương Tây đều có chung quan ngại về các hoạt động tình báo của Trung Quốc, nhất là những cuộc tấn công mạng.
Ngoài TikTok và dự án Mạng cáp quang Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian qua cũng liên tiếp tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào Huawei – tập đoàn công nghệ số 1 của Trung Quốc. Washington đã khởi động một chiến dịch mạnh mẽ và quyết liệt nhằm chặn đứng uy thế công nghệ đang gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc.