- Zoom bỗng chốc vụt sáng kể từ sau khi nhiều nước trên thế giới phải thực hiện phong tỏa, cách ly vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ứng dụng Zoom liên tiếp đối mặt với những cáo buộc về các biện pháp an ninh mạng lỏng lẻo cũng như quyền riêng tư của người dùng bị ảnh hưởng.
Ảnh minh họa (Ảnh: zoomvietnam) |
Vậy Phần mềm Zoom có an toàn để sử dụng hay không? Theo zdnet, sự an toàn khi sử dụng Zoom phụ thuộc nhiều vào việc người dùng thực hiện 10 điều sau đây:
1. Mật khẩu bảo vệ cho cuộc họp của bạn
Cách đơn giản nhất để ngăn chặn những người tham dự cuộc họp không mong muốn và ngăn chặn các hành động quấy phá khác là thiết lập mật khẩu (password) cho cuộc họp của bạn. Mật khẩu có thể được thiết lập cho từng cuộc họp, cho người dùng, cho nhóm hay ở cấp độ tài khoản cho tất cả các cuộc họp. Để làm như vậy, đầu tiên bạn cần đăng nhập vào Zoom bằng tài khoản của mình. Nếu bạn muốn thiết lập mật khẩu ở từng cuộc họp, bạn vào phần "Settings" và bấm nút "Require a password when scheduling new meetings". Thao tác này sẽ giúp đảm bảo bạn có một mật khẩu khi cuộc họp được mở ra.
2. Xác nhận người tham gia
Khi mở một sự kiện, bạn nên chọn chỉ cho phép những người dùng đăng nhập được phép tham gia.
3. Không cho phép các thành viên vào cuộc họp trước người chủ trì
Không cho phép người khác tham gia trước khi bạn, với tư cách là người chủ trì cuộc họp, mở cuộc họp. Bạn có thể thực hiện điều này cho một nhóm bằng thao tác trong "Account Settings."
4. Khóa cuộc họp
Khi cuộc họp bắt đầu, bạn hãy vào "Manage Participants" nhấn vào "More" và chọn "lock" để khóa cuộc họp ngay sau khi những người dự họp đã có mặt đầy đủ. Điều này cho phép bạn ngăn chặn những người không mong muốn tham gia vào cuộc họp của bạn dù ID của cuộc họp hay các thông tin chi tiết khác để xâm nhập vào cuộc họp bị lộ.
5. Tắt chế độ chia sẻ màn hình của những người dự họp
Không ai muốn nhìn thấy những hình ảnh khiêu dâm được chia sẻ bởi một kẻ phá rối, vì vậy hãy chặn không cho những người dự họp chia sẻ màn hình của họ. Lựa chọn này có thể được thực hiện ở phần "Security".
6. Sử dụng ID ngẫu nhiên
Bạn không nên sử dụng ID cuộc họp cá nhân của mình nếu có thể bởi điều này sẽ tạo điều kiện cho những kẻ tấn công hay những kẻ quấy phá. Thay vào đó, chọn ID cuộc họp một cách ngẫn nhiên khi bạn mở một cuộc họp mới. Ngoài ra, bạn không nên chia sẻ ID cá nhân của mình một cách công khai.
7. Sử dụng phòng chờ
Tính năng phòng chờ (Waiting Room) là cách để bạn lọc những người tham dự. Bạn được quyền cho phép họ tham dự hay không. Tính năng này hữu ích cho nhiều mục đích, bao gồm trong các cuộc phỏng vấn và làm việc online. Nó còn giúp những người chủ trì cuộc họp có thể tăng cường an ninh cho cuộc họp.
8. Tránh chia sẻ file
Hãy cẩn thận với tính năng chia sẻ file của Zoom, đặc biệt nếu người dùng mà bạn không nhận ra đang gửi nội dung khắp cuộc họp, đây có thể là hành động phá hoại. Thay vào đó, hãy chia sẻ tài liệu sử dụng những dịch vụ uy tín như Box hay Google Drive. Hiện tại, Zoom đã gỡ bỏ tính năng chia sẻ file vì lo ngại “vấn đề an ninh”.
9. Loại bỏ những người tham dự gây phiền phức
Nếu bạn thấy ai đó đang tìm cách phá rối cuộc họp, bạn có thể loại họ ra khỏi cuộc họp trong tab "Participants". Đưa chuột đến phần tên, nhấn More và loại bỏ họ. Bạn có thể đảm bảo họ không thể tham gia lại cuộc họp bằng việc tắt "Allow Removed Participants to Rejoin" trong tab "Settings: Meetings - Basic".
10. Luôn cập nhật phiên bản mới nhất
Sau nhiều sự cố về bảo mật, Zoom đã có bản cập nhật mới. Phiên bản mới không chỉ bổ sung tính năng mới mà còn vá các lỗ hổng về bảo mật như nghe lén hoặc gửi dữ liệu cho bên thứ ba. Những người dùng phiên bản cũ thường là đối tượng dễ bị tấn công. Vì thế, hãy thường xuyên kiểm tra và cập nhật phiên bản mới.
(Theo zdnet)