- Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và VNPT phải giữ vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số nền kinh tế, trong năm 2019, VNPT đã tập trung nguồn lực rất lớn cho lĩnh vực này và đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Việc triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, hai thành tố vô cùng quan trọng trong kiến tạo chính phủ điện tử đã thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ trong triển khai chính phủ điện tử.
Trục liên thông văn bản quốc gia chính thức được đưa vào hoạt động từ ngày 12/3/2019 đã đảm bảo kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản từ Văn phòng Chính phủ tới các Bộ, Ngành, Địa phương. Trục được kết nối đến các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 95/95 đơn vị, bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh/Tp, với hơn 1 triệu văn bản điện tử được gửi/nhận, trong đó gần 300.000 văn bản gửi đi và 700.000 văn bản đến, tiết kiệm 1.200 tỷ đồng/năm.

Cổng dịch vụ công quốc gia được khai trương đầu tháng 12/2019. Tại thời điểm khai trương, Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp 05 dịch vụ công trực tuyến tại 63 tỉnh/Tp, 04 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ. Đầu năm 2020, Chính phủ sẽ tích hợp thêm 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm và thu phạt vi phạm giao thông đường bộ. Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động sẽ giúp công khai, minh bạch thủ tục, qua đó chống cửa quyền, ngăn chặn tham nhũng vặt. Theo tính toán của Văn phòng Chính phủ, việc đưa Cổng dịch vụ công quốc gia vào hoạt động sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm, con số này sẽ tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, VNPT cũng tiếp tục đẩy mạnh đưa các sản phẩm, dịch vụ cốt lõi trong triển khai Chính phủ, Tổ chức/Doanh nghiệp đi vào thực tiễn cuộc sống. Đến nay, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 53 tỉnh/Thành phố; phần mềm VNPT-iOffice trên toàn quốc đã tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh; Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet đã triển khai cho UBND TP. HCM và gần 150 đơn vị. VNPT đã khảo sát, tư vấn xây dựng Đề án đô thị thông minh cho 28 tỉnh/Thành phố (tăng 08 tỉnh/Thành phố); Triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cho các tỉnh Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm; Triển khai giải pháp Du lịch thông minh gần 50 tỉnh/Thành phố (tăng 20 tỉnh/Thành phố). Hiện gần 55% cơ sở y tế đã sử dụng VNPT-HIS, gần 60% trường học sử dụng giải pháp vnEdu Dịch vụ hóa đơn điện tử đạt khoảng 1.400.000 hóa đơn phát hành, tăng gấp đôi so với năm 2018.

Tham gia vào chuyển đổi số nền kinh tế, VNPT đã đóng góp rất nhiều trong ứng dụng ICT trong Doanh nghiệp và Thương mại điện tử. Các giải giải pháp về quản trị doanh nghiệp, kế toán, quản lý bán lẻ, vận tải,… trên nền tảng trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, an ninh mạng và điện toán đám mây, của VNPT đã thâm nhập trên 50% các doanh nghiệp quy mô lớn nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, bán lẻ, logistic,..., mang lại những cải biến tích cực về kinh doanh và tối ưu các nguồn lực.
Đối với dịch vụ số cá nhân, VNPT đã đưa vào trên 50 dịch vụ mới thuộc các nhóm Quảng cáo số, truyền hình trả tiền, tài chính số, M2M/IoT, Multimedia. Nguồn doanh thu mới phát sinh từ các mảng dịch vụ trên VASCloud, dịch vụ Game, Fintech bước đầu đã có kết quả ấn tượng. Số lượng khách hàng/user, số lượng giao dịch và doanh số thu cước qua kênh VNPT Pay tăng trưởng liên tục ở mức cao và bắt đầu chuyển dịch kênh bán hàng nạp thẻ trực tuyến. VNPT Pay cũng được kết nối trực tiếp với nhiều ngân hàng nội địa hàng đầu Việt Nam; triển khai bán hàng và thanh toán dịch vụ VNPT cũng như các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thu học phí, viện phí và các dịch vụ tiêu dùng khác. Với dịch vụ Mobile Money, VNPT cũng hoàn thành đề án triển khai thí điểm trình Ngân hàng Nhà nước…
Phạm Lê