- Phát biểu tại Ngày hội An toàn thông tin 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “trong phát triển CNTT phải có bảo đảm an toàn an ninh và bản thân an toàn, an ninh thông tin cũng thúc đẩy cho phát triển”.
Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Ngày hội An toàn thông tin 2019 sáng nay, 29/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), VNISA và tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã luôn nỗ lực cho công tác phát triển CNTT, trong đó có việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. “Nỗ lực của các bạn đã góp một phần không thể thiếu để phát triển CNTT, từ đó góp phần vào phát triển đất nước trong thời gian qua. Tôi cũng cám ơn sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), các chuyên gia đối với sự phát triển CNTT nói chung và việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin ở Việt Nam nói riêng” - Phó Thủ tướng phát biểu.

Theo Phó Thủ tướng, cũng như nhiều quốc gia, Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là phải thúc đẩy CNTT. Trước hết là ứng dụng CNTT vào tất cả các lĩnh vực của đời sống: Công tác điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, hoạt động của doanh nghiệp và sinh hoạt thường ngày của người dân... Đặc biệt để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng việc đẩy mạnh phát triển CNTT và những ngành nghề dựa trên CNTT là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta không thể phát triển CNTT mà không bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ lợi ích của người dùng CNTT. Đây là quan điểm xuyên suốt của Việt Nam là phải phát triển, không vì lo ngại an toàn, an ninh thông tin mà không dấn bước. Vì vậy, an toàn, an ninh thông tin cũng phải được đầu tư tương xứng, bảo đảm cho sự phát triển.
“Trong phát triển CNTT phải có bảo đảm an toàn an ninh và bản thân an toàn, an ninh thông tin cũng thúc đẩy cho phát triển. Điều này như tôi đã nói xuyên suốt là quan điểm của Việt Nam là chúng ta phải phát triển CNTT, không thể vì lo ngại an toàn, an ninh thông tin mà không dấn bước. Chính vì thế, an toàn, an ninh thông tin cũng phải được phát triển” - Phó Thủ tướng nói.
Chia sẻ thông tin với các đại biểu tham dự hội thảo, Phó Thủ tướng cho hay, xếp hạng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, với sự góp sức đặc biệt quan trọng của ứng dụng CNTT. Cụ thể, chỉ số thành phần ứng dụng CNTT của Việt Nam đã vươn lên thứ 41 thế giới. Từ chỗ là một trong những mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công mạng, phát tán virus, mã độc, đến nay chỉ số xếp hạng an toàn thông tin trong năm 2019 của Việt Nam cũng tăng tới 50 bậc. Tuy nhiên, trong 5 chỉ tiêu, về tổ chức, môi trường pháp lý chúng ta tăng rất mạnh song cũng rất lưu ý 3 trụ cột Việt Nam hiện còn yếu, đó là năng lực, các giải pháp kỹ thuật và hợp tác.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức về an toàn, an ninh thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng không thể nói nhận thức tốt mà thực hiện lại chưa tốt. Ví dụ, nếu nhận thức đầy đủ về an toàn, an ninh thông tin thì phải đầu tư thích đáng cho phần này khi triển khai hệ thống CNTT. “Tỷ lệ trung bình của thế giới khi đầu tư một hệ thống CNTT thì 15-20% giá trị dự án dành cho an toàn, an ninh thông tin, còn ở Việt Nam tỷ lệ này hiện dưới 5% thì không thể nói chúng ta nhận thức sâu sắc về an toàn, an ninh thông tin”, Phó Thủ tướng dẫn chứng và lưu ý hiện nay vấn đề an toàn, an ninh thông tin không dừng lại ở các cơ quan, doanh nghiệp mà đã liên quan trực tiếp đến từng người dân.
Nhiệm vụ của những người hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin là làm sao để các cơ quan của Chính phủ, doanh nghiệp và từng người dân nhận thức sâu sắc: Không thể không sử dụng, ứng dụng CNTT nhưng phải chú trọng đến an toàn, an ninh thông tin. Bên cạnh đó, cần thay đổi suy nghĩ việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin là của các chuyên gia bởi rất nhiều việc chỉ cần mỗi người thêm thói quen về bảo mật thông tin khi sử dụng các thiết bị, ứng dụng CNTT.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kỳ vọng, Bộ TT&TT, Hiệp hội sẽ cùng chung tay với các doanh nghiệp để Việt Nam có thể hình thành nên một hệ thống có tính chỉ huy xuyên suốt về chuyên môn, đáp ứng thật nhanh, hiệu lực, hiệu quả với các sự cố an toàn, an ninh thông tin. Đồng thời quy tụ, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau, giữa doanh nghiệp với nhau, giữa cộng đồng với nhau và giữa Chính phủ với doanh nghiệp, với cộng đồng.