- Viễn thông Hà Nội (VNPT Hà Nội) được thành lập chính thức từ 1/1/2008. Tuy nhiên, mạng lưới của VNPT Hà Nội qua quá trình phát triển đã là một mạng lưới rộng khắp, được khởi nguồn xây dựng từ rất lâu, vì tiền thân của VNPT Hà Nội là Bưu điện TP Hà Nội với bề dày lịch sử truyền thống 65 năm xây dựng và phát triển. Nhìn lại chặng đường những năm tháng kháng chiến gian khổ, đến giải phóng Thủ đô, ngày hôm nay, VNPT Hà Nội đã có bước tiến dài về mạng lưới viễn thông, phục vụ nhân dân và chính quyền Thành phố.
Mạng lưới thông tin trong thời kỳ những ngày toàn quốc kháng chiến
Tuy chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ ta Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 và bản tạm ước , nhưng ngay từ đầu năm 1946, giặc pháp vẫn luôn tiến hành khiêu khích. Hàng ngày chúng cho quân đội bắn bừa bãi vào các trụ sở tự vệ và công an của Hà Nội, gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố hàng Bún và ngõ Yên Ninh. Trước tình hình đó, Đảng ta nhận định Một cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để gìn giữ nền độc lập của Tổ quốc là không thể tránh khỏi. Do vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta chuẩn bị sẵn sàng kháng chiến.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngành Thông tin liên lạc Hà Nội thực hiện chuyển hướng hoạt động, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cuộc kháng chiến. Khi đó, mạng lưới điện thoại đã đặt xong tổng đài liên lạc với Bờ Hồ, với chiến khu 2 và trục đường từ Hà Nội vào Hà Đông để khi trụ sở của chiến khu rời về Đại mỗ thì sử dụng đường dây này để liên lạc. Mạng lưới vô tuyến điện đặt tại liên khu 1 cũng đã hoạt động tốt. Đến trước ngày toàn quốc kháng chiến, ở Hà Nội đã thành lập ban dây máy điện thoại thành phố. Tài sản lúc đó chỉ có 1 tổng đài 20 số, 18 máy điện thoại, và khoảng 20 km dây dùng vào việc phục vụ chiến đấu.
Số máy trên được đặt ở các địa điểm: 5 khu vực ngoại thành mỗi nơi 2 máy; 1 máy phục vụ đồng chí Nguyễn Văn Trân - Bí thư Thành ủy; 1 máy phục vụ đồng chí Trần Quốc Hoàn - Đặc phái viên xứ ủy Bắc kỳ; 1 máy phục vụ Ban chỉ huy công việc phá hoại; 2 máy phục vụ Ban tiếp tế xã hội; 3 máy phục vụ cho 3 pháo đài: Láng, Xuân Canh, Xuân Tảo.
![]() |
Công việc chuẩn bị kháng chiến được tiến hành bí mật, và khẩn trương. Không khí chống giặc ở Hà Nội cũng sôi sục. Hầu như người dân Hà Nội nào cũng đều khẩn trương chuẩn bị cho cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp bảo vệ Thành phố.
Sau tối hậu thư của tướng Pháp Mooclie đối với chính phủ ta, yêu cầu giao quyền giữ trật tự trị an Thành phố cho quân đội Pháp, sự nhẫn nại và kiềm chế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã đến tột đỉnh. Không còn cách nào khác, toàn dân phải đứng lên bảo vệ non sông đất nước. Hồ Chủ tịch thay mặt chính phủ, ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ".
20h30’ ngày 19/12/1946, theo mệnh lệnh thống nhất từ Bộ chỉ huy đặt tại làng Mọc Quan Nhân, từ pháo đài Láng đại bác ta bắn vào thành Hà Nội. Công nhân nhà máy đèn phá máy, đèn điện toàn Thành phố vụt tắt. Tiếp đó là pháo đài Xuân Tảo, Xuân Canh cũng đồng loạt dội bão lửa vào các vị trí quân Pháp. Cả Hà Nội rung chuyển. Cuộc chiến đấu chống Thực dân Pháp của quân và dân Hà Nội mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngay đêm đó đã diễn ra trận chiến đấu bảo vệ Bưu điện Bờ Hồ của lực lượng tự vệ tại 75 Đinh Tiên Hoàng.
Cuối năm 1947, địa giới hành chính kháng chiến được sáp nhập hai tỉnh Hà Nội và Hà Đông thành tỉnh Lưỡng Hà thuộc khu III. Trưởng ban Giao thông tỉnh Lưỡng Hà là đồng chí Vũ Văn Quý. Các tổ chức giao thông liên lạc phục vụ kháng chiến được thành lập bên cạnh hoạt động của các tổ chức lãnh đạo như: Ban giao thông của Đảng, Ban giao thông kháng chiến và Bưu điện thuộc chính quyền... do thực tiễn đòi hỏi cần có sự thống nhất, nên tháng 11/ 1949 tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã có nghị quyết sáp nhập Ban giao thông của Đảng, Ban giao thông kháng chiến và Bưu điện thành Ty Bưu điện đặc biệt khu Hà Nội do đồng chí Lê Quang Thảo làm trưởng Ty. Những ngày tháng sau toàn quốc kháng chiến, các đài thông tin vô tuyến điện của Bưu điện Hà Nội phải hoạt động trong các vùng căn cứ đến giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Mạng lưới thông tin Hà Nội những năm đầu giải phóng 10/10/1954
Đúng ngày 10/10 cách đây 65 năm, tại số 4 Phạm Ngũ Lão Hà Nội, những người làm công tác thông tin ở Thủ đô được Uỷ ban Quân chính thành phố giao nhiệm vụ tiếp quản ngành Bưu điện và Vô tuyến. Sau khi tiếp quản, cơ sở vật chất của của mạng lưới Viễn thông Thủ đô lúc đó chỉ có 01 tổng đài điện thoại 1.500 số và khoảng 600 thuê bao; 01 phòng khai thác điện báo, một số máy thu phát vô tuyến công suất nhỏ. Sáng 11/10/1954, phòng Giao dịch Bờ Hồ đã bắt đầu mở cửa phục vụ nhân dân.
![]() |
Sau tiếp quản Thủ đô, dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến nhân lực, những người làm công tác thông tin tại Hà Nội trong Bưu điện Hà Nội đã từng bước cùng nhân dân thủ đô bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và ổn định sản xuất. Bưu điện Hà Nội trở thành trung tâm thông tin liên lạc của cả nước, phục vụ nhân dân và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam và nước bạn Lào, chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Trong năm đầu tiếp quản Thủ đô, có một sự kiện đáng ghi nhớ với ngành thông tin Hà Nội: Ty điện thoại Hà Nội đã hoàn thiện xây dựng một mạng lưới phục vụ lễ đón Bác Hồ và Chính phủ từ chiến khu trở về Thủ đô vào ngày 1/1/1955 đảm bảo an toàn thông tin liên lạc, đúng tiến độ thời gian, góp phần vào thành công buổi lễ. Thành tích này được chính quyền thành phố và Nha Bưu điện Việt Nam (sau này gọi là Tổng cục Bưu điện) biểu dương tại Hội nghị tổng kết ngành năm 1954.
Trong 2 năm 1955 - 1956, mạng thông tin Hà Nội đã phát triển thêm 1.200 máy điện thoại. Nhu cầu thông tin ngày càng tăng nhanh, năm 1957, Hà Nội đã lắp đặt thêm 01 tổng đài 500 số. Sau lắp đặt tổng đài 551/DM, tổng dung lượng mạng lưới toàn thành phố đã tăng thành 2000 số, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu lắp đặt thuê bao điện thoại trong thời điểm đó.
Nhưng phải đến năm 1960, khi tổng đài điện thoại tự động 3000 số giữa hai Chính phủ CHDC Đức và Việt Nam DCCH tại Hà Nội (khởi công xây dựng 1956) được khánh thành, thì mạng lưới thông tin tại Hà Nội mới đáp ứng phần nào nhu cầu của chính quyền và nhân dân. Sau hơn 2 năm thi công khẩn trương, với việc vượt qua nhiều khó khăn về mặt bằng, vật tư, vốn kiến thức kỹ thuật, nhưng với tinh thần lao động tự giác cao với ý thức quyết tâm xây dựng công trình, tổng đài điện thoại tự động 3000 số đã lắp đặt xong và chính thức đưa vào sử dụng đúng ngày quốc tế lao động 1/5/1960.
![]() |
Đây là một trong những công trình hiện đại nhất của ngành Bưu điện Việt Nam lúc đó chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3, là tổng đài tự động đầu tiên của Hà Nội và trên cả miền Bắc - đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt về kỹ thuật thông tin điện thoại ở Thủ đô.
Mạng lưới VT-CNTT từ khi thành lập VNPT Hà Nội (1/1/2008) đến nay
Tách khỏi Bưu điện TP Hà Nội từ năm 2008 khi có chủ trương chia tách Bưu chính Viễn thông, đến nay, sau hơn 10 năm chính thức thành lập, phát huy truyền thống ngành thông tin hơn 70 năm xây dựng và phát triển, VNPT Hà Nội đã từng bước xây dựng mạng lưới vững mạnh, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu sử dụng các dịch vụ Viễn thông - CNTT của nhân dân và các cơ quan chính quyền địa phương.
![]() |
Cùng với kết quả đạt được trong sản xuất kinh doanh, hàng năm, VNPT Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, phục vụ tốt các sự kiện chính trị xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn; đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính quyền diễn ra trên địa bàn Thủ đô; Đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ tốt công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai; VNPT Hà Nội là đơn vị tham gia tích cực triển khai thực hiện đề án đẩy mạnh cải cách hành chính của Thành ủy Hà Nội với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác và quản lý. Hỗ trợ hàng ngàn phiên giao ban trực tuyến của Chính phủ và Quốc hội, các phiên giao ban của UBND TP Hà Nội với các quận huyện. Cung cấp các dịch vụ, phần mềm điều hành trên mạng UBND...
![]() |
Hiện nay, VNPT Hà Nội đã tập trung phát triển hệ thống mạng GPON và mạng quang trục, thiết bị MAN-E và truyền dẫn cho di động trên toàn mạng lưới. Cùng với đó, VNPT Hà Nội cung cấp các các dịch vụ trên mạng truy nhập G-PON, dịch vụ mạng cáp quang tốc độ cao FiberVNN, Truyền hình số MyTV, Data và nhiều dịch vụ Công nghệ thông tin trên nền dịch vụ Internet... đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân và chính quyền trên địa bàn. Qua chặng đường xây dựng và phát triển, VNPT Hà Nội đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Nhiều năm được tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông, đặc biệt, VNPT Hà Nội đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì với những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hiền Mai