Truyền hình trực tuyến - Công nghệ kết nối trong cuộc cách mạng 4.0

16:52, 31/05/2017
|

(VnMedia) - Phát triển dịch vụ hội nghị trực tuyến sử dụng thiết bị di động và ứng dụng phần mềm, hoạt động dựa trên Internet vạn vật - Internet of Things (IoT) đem lại nhiều lợi ích, giúp tiết kiệm cả thời gian và chi phí, khoảng cách địa lý không còn là trở ngại quá lớn...

Cơ quan Xúc tiến Thương mại đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) và Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc Thành phố Hà Nội (VIKOFA Hà Nội) vừa phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm và Tập huấn “Hệ thống hội nghị truyền hình Internet - Công nghệ kết nối mọi người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Hoạt động này được thực hiện trên cơ sở Chương trình nghiên cứu, thử nghiệm Hệ thống hội nghị truyền hình Internet tại Việt Nam giữa Công ty Cổ phần Công nghệ IBC (IBCT) và VIKOFA Hà Nội, phối hợp với Phòng Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Bộ Nội Vụ và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên. Đây là một nỗ lực nằm trong các hoạt động trách nhiệm xã hội (CSR) toàn cầu giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Tiến sĩ Park Chul Ho - Giám đốc KOTRA Hanoi phát biểu khai mạc
Tiến sĩ Park Chul Ho - Giám đốc KOTRA Hanoi phát biểu khai mạc

Với hạ tầng truyền thông ngày càng được củng cố và phát triển, hội nghị truyền hình và hội nghị thoại đang dần trở thành những phương tiện giao tiếp thiết yếu. Việc sử dụng những giải pháp này giúp tiết kiệm cả thời gian và chi phí, tạo sự thuận tiện cho các đại biểu tham gia các buổi họp tại các địa điểm khác nhau, khiến cho khoảng cách địa lý không còn là trở ngại quá lớn.

Ngoài ra, việc triển khai các giải pháp này cũng sẽ giúp người sử dụng có một môi trường chia sẻ thông tin hiệu quả, tận dụng được tối đa các chi phí đầu tư. Đó cũng là lý do IBCT mong muốn hợp tác nghiên cứu, thử nghiệm với Phòng Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên, thông qua sự hỗ trợ của KOTRA, tổ chức Hội thảo này; tham gia chia sẻ tại Hội thảo là những chuyên gia và diễn giả đến từ Hàn Quốc.

Các hoạt động CSR của IBCT được thực hiện hướng tới việc phát triển dịch vụ hội nghị trực tuyến sử dụng thiết bị di động và ứng dụng phần mềm, hoạt động dựa trên Internet vạn vật - Internet of Things (IoT). Các giải pháp này cũng có thể được sử dụng kết hợp với những phần cứng sẵn có trong phòng hội nghị, từ đó không chỉ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và còn hỗ trợ quản lý cuộc họp tại các địa điểm ở xa theo thời gian thực nhờ việc sử dụng các chức năng di động.

IBCT đã thiết lập một Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến để thử nghiệm cho các cuộc họp và làm việc của Phòng Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên; đồng thời lên kế hoạch hỗ trợ triển khai dịch vụ tới tất cả các bộ, ban, ngành ở Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động CSR, KOTRA cũng tổ chức Giải thưởng Trách nhiệm xã hội thường niên kể từ năm 2011 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội và người lao động Việt Nam, từ đó nâng cao sự hợp tác cùng phát triển của hai quốc gia.

Phối hợp với KOTRA trong việc thắt chặt sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc, đặc biệt là trong các hoạt động CSR là hơn 80 phòng ban của các cơ quan Chính Phủ, các công ty Nhà nước và ngân hàng; cụ thể tại sự kiện này, KOTRA và IBCT đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc Thành phố Hà Nội và Phòng Công nghệ thông tin, Trung tâm Tin học, Ban thi đua - Khen thưởng Trung ương cùng với Trung tâm Y học Thể thao, Viện Khoa học Thể dục thể thao, Tổng cục Thể dục thể thao.

Hiền Mai


Ý kiến bạn đọc