Nhân lực an ninh mạng Việt Nam: Lượng thiếu, chất chưa đủ!

14:10, 19/04/2017
|

(VnMedia) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn, hiện nay nguồn nhân lực về an toàn an ninh mạng chưa đáp ứng cả số lượng và chất lượng.

Trong phiên phiên chất vấn trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan tới công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử… diễn ra chiều 18/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua, tình hình an ninh mạng luôn là chủ đề nóng được sự quan tâm của tất cả các quốc gia.

Thống kê trên thế giới những vụ việc này có xu hướng gia tăng trên cả quy mô, mức độ. Điển hình như vụ tấn công mã độc vào Yahoo trong năm 2016. Trên thực tế các vụ tấn công mạng bằng mã độc ngày càng diễn ra tinh vi. Ngay cả các quốc gia có nền kinh tế lớn, phát triển mạnh như Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc... giành nhiều nguồn lực lớn về vật chất, con người để quản lý nguy cơ, rủi ro nhưng quốc gia này vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công mạng.

Để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng cần triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý, thiết chế, giải pháp công nghệ nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của người sử dụng.
Để đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng cần triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ, từ khung pháp lý, thiết chế, giải pháp công nghệ nhưng quan trọng hơn cả là ý thức của người sử dụng.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, việc đảm bảo an toàn thông tin ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Kết quả khảo sát năm 2016 do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội an toàn thông tin cho thấy, 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; 51% cơ quan tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi khi xảy ra sự cố dẫn đến lúng túng, bị động trong việc khắc phục đưa hệ thống trở lại bình thường. Đặc biệt, có đến 73% cơ quan tổ chức chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Nguyên nhân được cho là do nhận thức về an toàn thông tin chưa đầy đủ, nhân lực mỏng, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn yếu.

“Nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành về an toàn thông tin, nhất là các chuyên gia giỏi, có năng lực chuyên sâu rất mỏng, đặc biệt cơ quan Nhà nước gặp khó khăn trong thu hút chuyên gia giỏi. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu, nguồn lực đầu tư hạn chế. Hiện nay nguồn nhân lực về an toàn an ninh mạng của nước ta chưa đáp ứng cả số lượng và chất lượng”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn để nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực này, giải pháp ngắn hạn là cử cán bộ đi đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài. Về giải pháp lâu dài là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, các cơ sở đào tạo trọng điểm được ưu tiên chất lượng đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã hợp tác với các nước như Pháp, Thụy Điển, Séc, Phần lan, Hunggary để đào tạo cán bộ và đã thu được những kết quả bước đầu.

Ngoài ra, Bộ TT&TT đã ban hành một số giải pháp như quy trình xử lý sự cố an ninh mạng, quy trình hướng dẫn diễn tập an toàn thông tin mạng, đẩy mạnh an toàn thông tin quy mô quốc gia…Tăng cường phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai các quy chế phối hợp hợp tác nhằm đảm bảo an toàn thông tin mạng…

Hơn nữa, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng khẳng định để đảm bảo an toàn thông tin phải làm chủ công nghệ. “Với trình độ hiện nay chỉ có một số rất ít nước làm chủ được công nghệ. Việt Nam là nước đang phát triển, thời gian qua, có một số doanh nghiệp như VNPT, Viettel… làm chủ được sản phẩm về An toàn thông tin, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp này tiếp tục phát triển”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

B.H


Ý kiến bạn đọc