Việt Nam hướng đến là một quốc gia an toàn về Internet

16:40, 22/02/2017
|

(VnMedia) - Ngày 22/02/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Trung tâm Vietnet-ICT và Quỹ SecDev tổ chức Tọa đàm về Công dân số và hưởng ứng Ngày sử dụng an toàn Internet 2017, đã thu hút hơn 100 đại diện từ nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tham gia.

Năm 2016, người dân Việt hoang mang khi một loạt những vụ việc như khách hàng của Ngân hàng lớn bị tin tặc âm thầm rút tiền trong tài khoản, mã độc tấn công vào hệ thống thông tin của sân bay hay việc nội dung hình ảnh chương trình dành cho trẻ em chèn những nội dung phản cảm, phản giáo dục… Từ những vấn đề trên, Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng, các trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp Internet đã không ngừng trao đổi các vấn đề, xây dựng các chính sách và thực hành liên quan tới an toàn sử dụng Internet trong nước, từ đó xây dựng chương trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn sử dụng Internet.

ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT phát biểu tại buổi Tọa đàm
ông Nguyễn Thanh Hải - Cục trưởng Cục an toàn thông tin, Bộ TT&TT phát biểu tại buổi Tọa đàm

Ngày 22/02/2017, tại Hà Nội, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnet-ICT) và Quỹ SecDev (The SecDev Foundation) tổ chức Tọa đàm về Công dân số và hưởng ứng Ngày sử dụng an toàn Internet 2017, đã thu hút hơn 100 đại biểu đến từ nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước tham gia.

Tọa đàm về Công dân số và hưởng ứng Ngày sử dụng an toàn Internet 2017 được bắt nguồn từ hoạt động ngày an toàn sử dụng Internet - Safe Internet Day (SID). Đây là một hoạt động nâng cao nhận thức cộng động về sử dụng an toàn Internet, sự kiện hàng năm được khởi động tại châu Âu vào năm 2004 và tới năm 2016, đã có 120 nước đã tham gia hưởng ứng sự kiện này. Vào năm 2015, SID đã bắt đầu thảo luận tại Việt Nam để tăng cường nhận thức về an toàn và cử xử đúng mực trên Internet.

Có thể nói, Internet là một trong những phát minh vĩ đại của loài người. Nhờ có Internet mà thế giới đã có những bước tiền vượt bậc, đạt được những thành tích vĩ đại trên mọi lĩnh vực đời sống. Việt Nam chính thức kết nối với mạng Internet từ năm 1997 và từ đó cho đến nay số người dùng Internet tại Việt Nam đã đạt gần 50 triệu, chiếm tỷ lệ 53% trên tổng số dân, cao hơn mức trung bình của thế giới (46,64%) và cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (48,2%).

Theo thống kê của trang nghiên cứu thị trường We are social của Singapore, tại Việt Nam 78% lượng dùng Internet thường xuyên vào mỗi ngày (bản cập nhật tháng 01/2017). Việt Nam đứng thứ 16 trong top 20 quốc gia có số người dùng Internet nhiều nhất tại châu Á và độ tuổi người sử dụng Internet đa phần là người dùng trẻ, chiếm hơn 50% so với tổng dân số. Trong khi đó, chỉ số an toàn Internet tại Việt Nam (VNISA Index) năm 2015 là 46,5%, dưới mức trung bình.

Mục tiêu phát triển của Việt Nam trong thời gian tới là phải tăng tỷ lệ người dùng Internet lên mức 80-90% dân số, ngang bằng với các nước phát triển hiện nay. Internet được mở rộng tới mọi người dân. Mọi tổ chức, cá nhân đều có quyền sử dụng Internet. Chính phủ Việt Nam cùng với các nhà cung cấp dịch vụ Internet như VNPT, FPT, Viettel… đặc biệt quan tâm hỗ trợ cho những người dùng là học sinh, sinh viên và người dân ở nông thôn, vùng núi, biên giới và hải đảo… được sử dụng Internet qua rất nhiều chương trình, dự án. Đồng thời, Việt Nam cũng mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty CNTT và Internet trong cũng như nước ngoài kinh doanh và phát triển.

Trong khi nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Chính phủ Việt Nam cũng các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước thì tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng. Nguy cơ gián điệp mạng trở nên phức tạp, nguy hiểm. Các vụ tấn công làm tê liệt, chiếm quyền kiểm soát hệ thống cơ sở dữ liệu ngày càng phổ biến và hậu quả để lại vô cùng nặng nề. Không dừng lại ở đó, những kẻ tấn công mạng đã sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, thông tin độc hại… gây hậu quả không tốt cho xã hội.

Để nâng cao nhận thức của người dân cũng như doanh nghiệp về vai trò thiết thực cũng như những mặt trái của Internet, thì những buổi Tọa đàm về sử dụng Internet an toàn như ngày hôm nay cho thấy sự chung tay của cộng đồng trong việc đưa chủ đề công dân số (Digital Citizens) và an toàn sử dụng Internet tới sự quan tâm và ưu tiên cao. Chính phủ Việt Nam luôn đề ra mục tiêu và không ngừng hướng đến là một quốc gia an toàn về Internet, vì vậy các cá nhân, tổ chức, các công ty, các thương hiệu của Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trên Internet sẽ được bảo vệ.

Chính phủ Việt Nam và các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy tắc về hoạt động trên mạng Internet, đồng thời sẵn sàng tham gia vào hệ thống pháp luật quốc tế về an toàn Internet. Đồng thời, kêu gọi các công dân mạng, đặc biệt là thế hệ trẻ - những công dân số hãy cùng đấu tranh vì lẽ phải, công bằng và những giá trị tốt đẹp để thiết lập, duy trì và phát triển môi trường Internet văn minh ở Việt Nam. Các chuyên gia CNTT cần nâng cao trách nhiệm, không tiếp tay cho tội phạm mạng, không phát tán mã độc, không tham gia vào các hoạt động tấn công mạng… để môi trường Internet ngày càng an toàn, văn minh và hiện đại.

P.V


Ý kiến bạn đọc